Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác. Cuối giờ chiều, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu.
Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, trong đó có đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược về biến đổi khí hậu và có sự điều chỉnh sau khi Việt Nam tham dự COP26, trong đó xác định rõ quan điểm và mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giải pháp tăng trưởng xanh để hiện thực hóa mục tiêu này. Chính phủ đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết liên quan đến vấn đề năng lượng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo bài bản về vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đánh giá tổng thể tác động từ thượng nguồn và đã xác định trung tâm của ảnh hưởng là tài nguyên nước. Chúng ta đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều chính sách, kế hoạch hành động cụ thể với khoảng 60 dự án. Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện đã có quy chế liên kết vùng, là cơ sở để các địa phương lựa chọn vấn đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề bức xúc đang diễn ra.
Về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo; đã cùng với các đối tác phát triển xác định nhu cầu của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi công bằng và cần có sự tham gia một cách công bằng của các nước phát triển. Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; thành lập các tổ công tác liên quan tới giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư….
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh, sớm sửa đổi Luật Điện lực, trong đó sẽ đề cập đến năng lượng tái tạo, đề xuất các chính sách về kinh tế xanh. Đồng thời, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp với các khách hàng lớn, trong đó tập trung năng lượng tái tạo. Sớm ban hành nghị định về điện áp mái để khuyến khích người dân tham gia đóng góp vào nguồn điện…
Đối với vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến đất đai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều liên quan đến tồn tại, hạn chế, yếu kém liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Quốc hội đã thông qua 3 luật này, đang được Chính phủ đặt quyết tâm cao sau khi các luật đi vào cuộc sống sẽ giải quyết khoảng 60% những hạn chế, yếu kém liên quan đến 3 luật trên.
Ngoài ra, còn một số quy định luật giao Chính phủ (14 nghị định), Thủ tướng đã khẩn trương chỉ đạo, làm việc với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp lắng nghe ý kiến, sự tham gia của các bộ, ngành sớm ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể, đảm bảo tính liên thông trong quá trình đưa luật vào cuộc sống.
Tiếp tục các chính sách miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trân trọng cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các cấp, ngành địa phương, kinh tế xã hội năm 2023 đã có nhiều thay đổi tích cực, nhất là tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, thu ngân sách nhà nước… Những tháng đầu năm 2024 cũng đạt nhiều kết quả tích cực.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, hạn chế của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường vàng, chương trình phục hồi phát triển kinh tế… Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
Liên quan đến những động lực tăng trưởng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, với những mức tăng trưởng mà Việt Nam đã đạt được là khá cao so với các nước trong khu vực trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Trong 2 năm trở lại đây, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Chính phủ cũng từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư công, kích hoạt vốn đầu tư tư trong hình thức đối tác công-tư, đạt nhiều kết quả tích cực. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ cũng đã có các giải pháp về mở rộng thương mại, tăng cường xuất khẩu, đàm phán ký kết các hiệp định hợp tác FTA… để kích cầu thị trường trong nước.
Về vấn đề thị trường vàng được các đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thị trường vàng thế giới trong thời gian qua có xu hướng tăng nên thị trường trong nước cũng biến động tăng theo. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đối với vàng miếng SJC tăng cao. Từ tháng 6/2012, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao Ngân hàng Nhà nước và đến nay đã có 25 văn bản, trong đó có những công cụ để can thiệp, bình ổn thị trường vàng và đồng thời thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực triển khai một số giải pháp, song, khi can thiệp vào thị trường vàng thì hiệu quả chưa cao. Do vậy, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá lại và sẽ có những phương án mới để bình ổn thị trường vàng trong ngắn hạn.
“Trước mắt, tiến hành thanh tra, kiểm tra để đánh giá một cách “thực chất” hoạt động của thị trường vàng, qua đó có những giải pháp để xử lý theo quy định pháp luật, đưa thị trường vàng bình ổn theo tinh thần “giá vàng trong nước tiến sát với thị trường thế giới”. Về lâu dài, Chính phủ sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau một ngày thảo luận tại Hội trường, đã có 57 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu phát biểu tranh luận. Quốc hội cũng đã dành thời gian thích hợp để các Bộ trưởng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, và 2 Phó Thủ tướng Chính phủ tham gia phát biểu, giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.
“Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc, thể hiện tâm huyết của các vị đại biểu đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm”, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội trường, các ý kiến thảo luận tại Tổ để đưa các nội dung quan trọng vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-chinh-phu-da-chi-dao-bai-ban-ve-van-de-thich-ung-bien-doi-khi-hau-374812.html