ĐỒNG NAI Tận dụng nguồn cá tạp sẵn có tại địa phương, nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) ủ chế phẩm IOM, nuôi trùn quế…, kiên trì trồng hồ tiêu hữu cơ.
Bí quyết chăm hồ tiêu hữu cơ
Từ một xã đặc biệt khó khăn, giao thông hạn chế, nhưng với sự nỗ lực từ chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng của người dân, đến nay xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đã thay da đổi thịt, khoác lên mình chiếc áo mới. Các tuyến đường liên xóm được bê tông hóa, thu nhập của người dân ngày một khá hơn và trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San cho biết, nhiều năm về trước, hồ tiêu đem lại thu nhập tốt cho người dân địa phương, thế nhưng gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, chi phí phân bón tăng, giá tiêu giảm… khiến nhiều hộ dân không còn mặn mà với cây tiêu.
Tuy nhiên, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo huyện, xã, dù diện tích trồng hồ tiêu có giảm, nhưng vẫn là cây trồng chủ lực của người dân xã Lâm San. Ngoài diện tích trồng hồ tiêu canh tác theo phương pháp truyền thống, xã Lâm San cũng khuyến khích canh tác hồ tiêu sạch, hồ tiêu hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không dư lượng thuốc BVTV…
Nông dân nơi đây đã sáng tạo, nghiên cứu, học hỏi những cách làm, mô hình hay để chăm sóc cây trồng vật nuôi đạt năng suất, chất lượng, giảm chi phí, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đặc biệt phải kể đến những hộ dân tại Tổ hợp tác hồ tiêu Lâm San.
Ban đầu, 32 thành viên của Tổ đăng ký tham gia chuyển đổi sang canh tác hồ tiêu hữu cơ, sau giảm xuống còn 16 hộ và hiện nay Tổ hợp tác hồ tiêu Lâm San chỉ còn vỏn vẹn chưa tới chục hộ kiên trì bám trụ trồng hồ tiêu hữu cơ.
Được sự động viên, khuyến khích của địa phương, anh Mai Đắc Trường (ấp 4, xã Lâm San) bắt đầu chuyển đổi sang trồng hồ tiêu hữu cơ từ năm 2019 đến nay với diện tích gần 4.000m2, gồm 600 trụ hồ tiêu.
Khi chuyển đổi, cây tiêu không đạt năng suất, sâu bệnh nhiều khiến anh Trường cũng như nhiều hộ dân lo lắng. Tuy nhiên, qua các lớp tập huấn, hướng dẫn của ngành nông nghiệp, Hội Nông dân xã, anh Trường và các hội viên Tổ hợp tác hồ tiêu Lâm San đã dần nắm bắt được quy trình kỹ thuật, thuần dưỡng cây hồ tiêu hữu cơ.
Anh Trường cho biết, trước đây khi còn sử dụng phân bón hóa học, năng suất hồ tiêu không ổn định, có năm đạt cao, có năm lại xuống thấp. Từ khi chuyển sang trồng hữu cơ, cây tiêu trở lên sung sức hơn, năng suất ổn định, tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc BVTV. “Nhà nằm gần vườn tiêu nên việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ giúp tôi yên tâm hơn, vừa đảm bảo sức khỏe cây trồng, tốt cho môi trường, vừa đảm bảo sức khỏe của gia đình mình”, anh Trường nói.
Là một trong những người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại Lâm San, với diện tích 2ha, ông Trương Đình Bá trồng xen canh nhiều loại cây, trong đó 90% là trồng hồ tiêu và hoàn toàn canh tác theo phương pháp hữu cơ, không dùng bất cứ một loại hóa chất, thuốc BVTV nào.
Một trong những bí quyết để hồ tiêu hữu cơ đạt năng suất, giảm chi phí mà anh Trường, ông Bá cũng như các hộ trồng tiêu hữu cơ ở xã Lâm San yên tâm canh tác là tận dụng nguồn cá tạp ở lòng hồ Sông Ray ủ men vi sinh làm chế phẩm IMO bón cho cây trồng.
“Trước đây, mình phải bỏ tiền mua men gốc để ủ đạm cá, nhưng bây giờ chúng tôi đã tự chủ được men sinh vật bản địa, chất lượng không khác gì so với mua của các công ty mà giá thành lại thấp.
Sau một thời gian phát triển, chúng tôi cũng đưa ra được nhiều sản phẩm để dự trữ sử dụng được thời gian lâu như men vi sinh vật dạng khô; men vi sinh vật bản địa ủ cùng ớt, tỏi, gừng làm chế phẩm BVTV sinh học phòng chống sâu hại trên cây hồ tiêu cũng như các loại cây trồng khác”, ông Trương Đình Bá nói.
Theo ông Bá, hàng năm ông cũng như một số hộ khác thu mua khoảng 1,5 tấn cá tạp, tạo ra được khoảng 1.000 – 1.500 lít đạm cá để chuẩn bị sẵn cho vụ trồng tới.
Dẫn chúng tôi ra sau vườn, nơi ông Bá ủ chế phẩm IMO, quả đúng là không hề có mùi hôi bởi cá tạp đã được ông xử lý ủ với men vi sinh theo đúng kỹ thuật. “Lúc đầu chúng tôi ủ cá, nhiều người bảo điên, thế này thì hôi chết. Nhưng sau đó, họ thay đổi cách nhìn và còn đặt mua đạm cá của chúng tôi về bón cho cây trồng”, ông Bá vừa cười vừa khuấy phần đạm cá đã được ủ trong bồn.
Thấy tôi đứng nhìn vào chuồng dê cách đó không xa, ông Bá giải thích thêm: “Phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ của chúng tôi là hữu cơ kết hợp nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra hệ sinh thái tuần hoàn”. Ngoài trồng tiêu, ông Bá còn nuôi thêm khoảng 100 con gà, vịt, 20 con dê. Để làm thức ăn cho dê, ông tận dụng trụ gòn (trồng cây gòn để cây hồ tiêu bám trụ), sau đó lấy phân dê, gà để nuôi trùn quế và phân trùn quế được đem bón cho cây hồ tiêu. Tất cả là một vòng tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì trong vườn.
Làm nông nghiệp hữu cơ phải kiên trì
“Việc chuyển đổi để sản xuất hữu cơ quan trọng nhất vẫn là ý chí và sự kiên trì, một khi hiểu được ý nghĩa, bản chất của canh tác hữu cơ thì việc sản xuất sẽ dễ dàng hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động thêm một số hộ dân có tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ để chuyển đổi từ từ.
Khi hiểu rõ những lợi ích mà canh tác hữu cơ mang lại, nông dân sẽ thích và sẵn sàng kiên trì thực hiện. Quan trọng nhất khi làm nông nghiệp hữu cơ là không được nôn nóng, phải kiên trì”, ông Trương Đình Bá cho biết và khẳng định, với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, ông sẽ cùng các hội viên thường xuyên tuyên truyền, động viên, phân tích để người dân giảm thiểu việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học trên cây trồng, tăng diện tích canh tác hữu cơ trên địa bàn xã.
Để giúp các hộ nông dân thuần thục trong kỹ thuật canh tác hữu cơ, Tổ hợp tác hồ tiêu Lâm San thành lập nhóm giám sát nội đồng. Qua đó, những người có kinh nghiệm có thể chia sẻ lẫn nhau, đồng thời giám sát chéo để cùng nỗ lực hướng tới đạt chứng nhận hồ tiêu hữu cơ, xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới.
Tuy nhiên, để những người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ nhỏ lẻ có lợi nhuận cao, làm cơ sở khuyến khích các hộ dân trên địa bàn sẵn sàng chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp hữu cơ, ông Bá cho rằng, rất cần chính quyền, địa phương, các hợp tác xã, doanh nghiệp quan tâm hơn nữa, có những cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp. Từ đó, giúp nông dân an tâm, kiên trì canh tác, nâng tầm thương hiệu, giá trị hồ tiêu hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra không tồn dư hóa chất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất cũng như tạo môi trường sống trong lành.
Hiện trên địa bàn xã Lâm San chỉ còn khoảng gần 1.100ha hồ tiêu, trong đó diện tích chuyển đổi sản xuất sang hồ tiêu hữu cơ mới chỉ khoảng 16ha, còn rất thấp so với tiềm năng hiện có của địa phương.
Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh Đồng Nai xác định là một trong những nhiệm vụ phải tạo được đột phá. Trong đó, Đồng Nai xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, góp phần ổn định đời sống, tăng thu nhập cho người sản xuất…
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/u-che-pham-imo-nuoi-trun-que-kien-tri-trong-ho-tieu-huu-co-d386742.html