Dai dẳng đeo bám, ý định lừa đảo
Liên tiếp mấy ngày gần đây, anh M.V.V, ngụ P.15, Q.10 (TP.HCM), thường xuyên nhận những cuộc gọi tự xưng là công an phường, hối thúc đến trụ sở công an phường để làm mã số định danh. Vốn luôn nắm bắt thông tin sớm và tuân thủ các quy định về quản lý hành chính, anh V. đã hoàn tất các yêu cầu định danh từ trước đó nên nghi ngờ đây là cuộc gọi điện thoại lừa đảo. Báo cáo trường hợp này cho chính quyền địa phương, anh M.V.V mới biết nhiều người cũng đã nhận được cuộc gọi điện thoại giống mình. “Tổ trưởng tổ dân phố đã gửi trực tiếp thông báo số điện thoại của đối tượng thường xuyên sử dụng để lừa gạt, đồng thời cảnh báo nếu gặp trường hợp này thì phải cúp máy ngay và báo cáo cho công an khu vực theo dõi. Về phía các nhà mạng, theo tôi nếu xác định những thuê bao này là lừa đảo thì nên khóa ngay để tránh gây ra thiệt hại”, anh M.V.V đề nghị.
Đề nghị của anh M.V.V là có cơ sở bởi nhiều người chỉ mất cảnh giác trong phút chốc là mất tiền. Bà D.B.Y, ngụ P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, năm nay 80 tuổi, đã bị lừa cả trăm triệu đồng vì trót tin vào số điện thoại lạ gọi đến thông báo trúng thưởng. Trao đổi với PV Thanh Niên, bà D.B.Y nức nở kể: “Gia cảnh tôi neo đơn, khó khăn, đứa con trai lớn làm ăn thua lỗ, nợ nần, tôi cũng không dư dả gì, khi có cuộc gọi từ nhân viên trung tâm thương mại thông báo mua hàng trúng thưởng, tôi cũng nhẹ dạ làm theo. Họ bảo tôi đặt mua hàng vào khung giờ đó sẽ nhận được quà trúng thưởng, các món hàng cam kết sẽ được thu lại. Tôi không nghi ngờ gì cả mà cứ đi mượn tiền rồi mua, cuối cùng gánh món nợ hơn 100 triệu đồng”. Tuổi cao, không rành sử dụng điện thoại, bà Y. ghi lại vào sổ các cuộc gọi đến và nội dung trao đổi. Trong đó, rất nhiều thuê bao được sử dụng để lừa đảo bà cụ là đầu 028888…
Chặn, khóa luôn được không ?
Trả lời PV Thanh Niên về tình trạng các số điện thoại thường xuyên gọi quảng cáo, chào mời dịch vụ không mong muốn, đại diện một số nhà mạng cho biết đã áp dụng hệ thống phân loại, báo cáo SIM rác tự động, miễn phí dành cho khách hàng. “Nếu thuê bao nào bị báo cáo thường xuyên vì sử dụng để telesale quá giới hạn thì hệ thống sẽ ghi nhận và khóa luôn SIM đó, đây là một trong những giải pháp mà nhà mạng đã triển khai để ngăn chặn SIM rác”, đại diện một nhà mạng nói.
Tuy nhiên, hiện nay không chỉ có thuê bao di động mà người dùng điện thoại còn bị “khủng bố”, làm phiền và hăm dọa, lừa đảo qua các thuê bao tổng đài ảo, bằng các ứng dụng nghe gọi qua internet… nên việc ngăn chặn càng khó khăn hơn.
Anh N.T.C, một chuyên gia công nghệ, nhận xét: “Về mặt kỹ thuật, các tổng đài hay thuê bao muốn hoạt động được, nghe gọi được đều phải thông qua hệ thống, băng tần của các nhà mạng. Trừ trường hợp lừa đảo xuyên biên giới, còn lại thực tế chuyện ngăn chặn không phải bất khả thi, dù có dùng công nghệ nào chăng nữa. Chỉ cần xác định đích đến thực sự là đơn vị nào, đơn vị nào đã bán thông tin và xử phạt nặng, ra lệnh cấm kinh doanh thì có thể hạn chế triệt để được. Ngoài ra, các nhà mạng cần có điểm tín dụng thuê bao hoặc người dùng. Người dùng nào vi phạm sẽ bị trừ điểm tín dụng. Điểm càng thấp, hệ số cước phí càng cao. Hết điểm thì cấm thuê bao trong vài năm. Nếu tất cả nhà mạng liên kết nhau thì sẽ dần loại bỏ được nhân sự trong ngành quảng cáo rác này. Công ty mẹ bên châu Âu mà tôi từng làm việc đã áp dụng giải pháp này cho nhiều chính phủ, nó loại bỏ đến hơn 98% cuộc gọi rác”.
Cùng nhận định trên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, khẳng định: “Về mặt kỹ thuật kết nối cũng như quản lý hành chính, cho dù là nhà mạng ảo hay tổng đài ảo thì cũng đều phải hoạt động thông qua kết nối với các băng tần được cấp phép, hay nói đúng hơn là phải hợp tác với các nhà mạng chính thức. Như vậy về mặt quản lý thì cơ quan chức năng đều có công cụ để hạn chế, khóa hoặc chặn ngay các thuê bao có dấu hiệu vi phạm, có ý đồ lừa đảo hoặc đã được công khai là lừa đảo. Vấn đề quan trọng nhất là các cơ quan có muốn làm triệt để hay không, bởi hiện nay các thuê bao chính là nguồn thu cho các nhà mạng, sử dụng dịch vụ nhiều, gọi nhiều thì họ mới có doanh số”.
Trả lời Thanh Niên về biện pháp xử lý các thuê bao được xác định là lừa đảo, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), khẳng định: “Siết chặt quản lý SIM rác, hạn chế tình trạng cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi quảng cáo là công việc được Cục Viễn thông quan tâm chỉ đạo sát sao, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm chúng tôi sẽ xử lý ngay. Đối với các thuê bao đã được công bố là vi phạm, Cục sẽ chỉ đạo khóa ngay, chặn ngay để tránh phát sinh các trường hợp làm phiền, lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân”.
Theo thống kê, năm 2023, cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng. Trong đó có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%. Trước tình trạng trên, các nhà mạng đưa ra cảnh báo khách hàng sử dụng điện thoại cần đặc biệt cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế. Các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu, 2 số tiếp theo không phải là 84 (Mã nước VN), ví dụ như: Moldova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226)…
Các đầu số trong nước gồm có: +1900, +024, +028…Trong đó đầu số +1900 gồm có những số điện thoại sau: 19003439, 19004510, 19002191, 19003441 19002170, 19002446, 19001095, 19002190, 19002196, 19004562, 19003440, 19001199.
Đầu số +024 gồm có những số điện thoại sau: 02439446395, 02499950060, 02499954266, 0249997041, 02444508888, 02499950412, 0249997037, 02499997044, 02499950212, 02499950036, 0249997038, 0249992623, 0249997035, 0249994266, 02499985212, 0245678520, 02499985220, 0249997044.
Đầu số +028 gồm có những số điện thoại sau: 02899964439, 2856786501, 02899964438, 02899964437, 02873034653, 02899950012, 02873065555, 02899964448, 02822000266, 0287108690, 02899950015, 02899958588, 02871099082, 02899996142.
Các nước chống lừa đảo qua mạng như thế nào?
Tại Trung Quốc, từ năm 2015, chính phủ nước này đã triển khai hệ thống trấn áp tội phạm mạng trên diện rộng với sự tham gia của 25 cơ quan nhà nước từ các lĩnh vực khác nhau, trong đó đứng đầu là Bộ Công an. Các cơ quan chức năng đã mở gần 4.000 tài khoản mạng xã hội trên toàn quốc nhằm tuyên truyền phòng chống lừa đảo, tạo thành làn sóng mạnh mẽ, kêu gọi cộng đồng mạng cùng lên tiến cảnh giác, vạch trần các hành vi lừa gạt qua mạng.
Nga cũng là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống lừa đảo qua mạng. Tháng 7.2017, Nga phê duyệt chương trình “Kinh tế số của Liên bang Nga” trong bối cảnh nước này đối mặt với nạn tội phạm mạng hoành hành. Mục tiêu của chương trình là tăng cường bảo mật, phát triển các cơ chế phát hiện mối đe dọa từ sớm và cải thiện công tác phòng chống tội phạm. Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã triển khai Nhóm ứng phó tình huống khẩn cấp FinCERT. Nhiệm vụ chính của bộ phận này là phân tích dữ liệu từ các cuộc tấn công qua mạng, sau đó đưa các khuyến nghị về lệnh chuyển tiền, nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cong-khai-so-dien-thoai-lua-dao-chan-luon-duoc-khong-185240528205747793.htm