ACCA hướng đến tạo hệ sinh thái toàn diện trong ngành kế toán, kiểm toán
Bà Helen Brand, Giám đốc Điều hành ACCA (the Association of Chartered Certified Accountants) khẳng định trong buổi họp báo diễn ra chiều ngày 28/5. Hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn ACCA châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Hà Nội.
Vai trò của kế toán viên được định nghĩa lại
Cuộc họp báo diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ với cuộc trao đổi, hỏi đáp giữa các nhà báo cùng bà Helen Brand, Giám đốc Điều hành ACCA; Ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc ACCA tại Việt Nam với phần dẫn dắt của ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư.
Trước vấn đề hỏi: “Làm thế nào để tận dụng công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực tài chính, kế toán. Những rủi ro và lợi ích tiềm ẩn của đổi mới kỹ thuật số trong việc đạt được sự bền vững?”, bà Helen Brand chia sẻ: “Đây là câu hỏi về tầm nhìn, chiến lược của ACCA và tại thời điểm này rất hợp lý để chúng tôi chia sẻ. Tháng 4/2024, ACCA đặt ra chiến lược mới – đó là dẫn dắt ngành kế toán, kiểm toán để đối phó với sự thay đổi trên toàn cầu, bao gồm cả báo cáo bền vững. Sự thay đổi này rất lớn và liên quan đến công nghệ, đồng thời liên quan đến phát triển bền vững”.
Bà Helen Brand, Giám đốc Điều hành ACCA trả lời báo chí nhiều vấn đề liên quan đến việc định nghĩa lại vai trò của kế toán viên, tầm nhìn, chiến lược của ACCA trong thời gian gần. |
Bà cho biết thêm, để ứng phó với sự thay đổi đó, cần xây dựng, tăng cường năng lực, chuẩn mực, khuôn khổ và các chiến lược kinh doanh phù hợp. 2 chiến lược mới của ACCA liên quan đến tầm nhìn, định nghĩa lại vai trò và trách nhiệm của kế toán viên.
Về mặt truyền thống, kế toán viên phải có sự am hiểu về tài chính, nhưng với sự thay đổi ngày nay họ có vai trò rộng hơn trong việc tạo ra giá trị. Một mặt làm thế nào để kế toán viên vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn, trách nhiệm vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp có trách nhiệm hơn trong việc kinh doanh của mình cũng như cộng đồng xung quanh.
Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực châu Á – Thái Bình Dương thảo luận: “Công nghệ mới với khu vực của chúng ta còn nhiều thách thức, trong đó dữ liệu và việc quản trị dữ liệu sẵn là vấn đề quan trọng nhất. Chúng ta đều nghe các tuyên bố của các Big Tech, như Google, Amazon, Microsoft, nói về tầm quan trọng của dữ liệu và cơ hội tuyệt vời mà các dữ liệu mang lại.
Ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực châu Á – Thái Bình Dương trả lời về công nghệ, AI là cơ hội hay thách thức với nghề kế toán, kiểm toán. |
Hiện có khoảng 500 tỷ USD đang nằm trong các giá trị dữ liệu mà chúng ta có thể khai thác. Để khai thác và phân tích được dữ liệu đó vai trò của kế toán viên là vô cùng quan trọng, do vậy các tổ chức công và tổ chức tư phải có trách nhiệm là cải thiện và nâng tầm kỹ năng cho đội ngũ kế toán viên của họ, cần đào tạo họ để họ bắt nhịp được với các công nghệ mới, để họ có thể khai thác và hạch toán dữ liệu tốt hơn.
Vấn đề thứ 2 là liên quan đến công nghệ, bởi công nghệ liên quan đến báo cáo bền vững nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực ra là rất phức tạp. Nó liên quan đến việc báo cáo những dữ liệu nào, môi trường, phát thải chúng ta sử dụng để đánh giá tác động. Do đó, vai trò của kế toán là cực kỳ quan trọng trong việc thu thập và báo cáo”.
Vấn đề đạo đức và năng lực của mỗi kế toán viên cũng được nhấn mạnh trước câu hỏi đến từ đại diện Báo Thanh Niên liên quan đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Mặc dù đã thuê đơn vị uy tín là “Big 4” hàng đầu thế giới kiểm toán, nhưng vẫn xảy ra sai sót.
Mặc dù rất khó để bình luận một sự kiện ở Việt Nam, nhưng bà Helen Brand vẫn chia sẻ quan điểm của mình: “Vấn đề liên quan đến sai sót có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Với vấn đề kiểm toán, người ta thường hình dung khâu này thường xuất hiện ở cuối quy trình kinh doanh, nhưng với ACCA , chúng tôi tạo ra hệ sinh thái, ở đó các kế toán phải tham gia từ đầu và kiểm toán nằm trong hệ sinh thái đó chứ không tách ra riêng biệt.
Chúng tôi đặc biệt chú ý liên quan đến đào tạo về đạo đức cho các kế toán viên và thường xuyên tăng cường nâng cao năng lực. Bản thân kế toán viên và kiểm toán viên được đào tạo định kì thường xuyên và đồng thời phải được sự kiểm định của cơ quan nhà nước một cách liên tục. Đây là cách mà ACCA làm với các thành viên của mình để giảm thiểu tối đa sai sót”.
Công nghệ AI là cơ hội cho ngành kế toán, kiểm toán
Liên quan đến công nghệ AI xuất hiện, nhiều nhà báo đặt câu hỏi liệu có phải là thách thức với ngành kế toán, kiểm toán hay không. Đại diện Báo Tiền Phong lấy ví dụ trong Tập đoàn FPT có 60.000 nhân sự, nhưng chỉ cần 6 kế toán và chỉ cần 1 người cho việc hợp nhất báo cáo tài chính.
“Chúng tôi nhận thấy rằng, AI là cơ hội cho thế hệ kế toán trong tương lai. Ngành kế toán đã trải qua rất nhiều việc áp dụng công nghệ khác nhau từ việc sử dụng máy tính đến các hệ thống báo cáo hiện nay. Vì thế, bản thân các kế toán viên phải định nghĩa lại vai trò của mình. Kế toán phải là người tạo ra giá trị. AI chúng tôi xác định không phải là thách thức mà là cơ hội để tạo cho kế toán tạo ra nhiều giá trị hơn”, bà Helen Brand nhấn mạnh.
Cuộc trao đổi với báo chí diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ với các nội dung được quan tâm đặc biệt. |
Bổ sung cho nội dung này, ông Pulkit Abrol cũng cho biết: “Với đặc thù ngành kế toán, chúng ta thấy rằng, Gen AI có thể tạo ra rủi ro, nhưng sẽ hỗ trợ quản lý dữ liệu phức tạp, còn lại kế toán sẽ tham gia nhiều hơn vào việc đánh giá, mang tính con người mà máy không làm được. Máy không hiểu được tính bảo mật, sự nhạy cảm của dữ liệu, trong khi kế toàn viên sẽ hiểu được.
Định kỳ cứ 7-12 lần/năm, chúng tôi xuất bản báo cáo gọi là AI monitor, bản báo cáo này sẽ theo dõi và cập nhật AI trong đó, chúng tôi đánh giá toàn diện về sự phát triển của AI và đánh giá toàn bộ về kế toán, bản báo cáo này là free nên mọi người có thể tham khảo”.
Vấn đề được quan tâm nhiều tiếp theo đó là câu hỏi “tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn khá thấp”, đại diện ACCA nhấn mạnh câu hỏi này không chỉ riêng Việt Nam, mà cho các quốc gia trên thế giới trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc ACCA tại Việt Nam kỳ vọng số lượng các thành viên của ACCA gia tăng trong 3-5 năm nữa. |
Việt Nam đã đưa cam kết Net Zero, do vậy, hơn bao giờ việc thu thập dữ liệu xanh và dữ liệu môi trường trở lên vô cùng quan trọng. Việc cần làm là phải thu thập dữ liệu về môi trường, của việc phát triển nguồn vốn xanh, phát triển hạ tầng và hơn bao giờ hết chúng ta phải cải thiện kỹ năng và năng lực hành nghề của các kế toán viên để thu thập được các thông tin, dữ liệu. Hiện nay, phải đưa ra các báo cáo đạt tiêu chuẩn quốc tế nên dữ liệu càng trở lên quan trọng hơn.
“ACCA đang cố gắng tạo ra cộng đồng, hệ sinh thái rất lớn bao gồm từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà quản lý chính sách, các nhà đào tạo về kế toán, kiểm toán, các doanh nghiệp và các nhân viên kế toán. Tất cả tạo thành cộng đồng giúp phát triển cho nền kinh tế Việt nam phát triển nói riêng và các nước châu Á – Thái Bình Dương nói chung”, bà Helen Brand nhấn mạnh.
Diễn đàn ACCA châu Á – Thái Bình Dương do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức trong hai ngày 28-29/5 tại Hà Nội. Sự kiện sẽ tụ hội những nhà lãnh đạo tư duy, các chuyên gia trong ngành và các diễn giả nổi tiếng tham gia vào các cuộc thảo luận quan trọng, định hình tương lai của ngành tài chính và doanh nghiệp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
ACCA (Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc) là tổ chức kế toán chuyên nghiệp được công nhận toàn cầu cung cấp các bằng cấp và nâng cao tiêu chuẩn trong lĩnh vực kế toán trên toàn thế giới.
Được thành lập vào năm 1904 nhằm mở rộng quyền tiếp cận vào nghề kế toán, ACCA đã luôn ủng hộ sự bao gồm và hôm nay tự hào hỗ trợ một cộng đồng đa dạng với hơn 247.000 thành viên và 526.000 thành viên tương lai tại 181 quốc gia.
Nguồn: https://baodautu.vn/acca-huong-den-tao-he-sinh-thai-toan-dien-trong-nganh-ke-toan-kiem-toan-d216242.html