Dự và điều hành buổi làm việc có đồng chí Đỗ Văn Phới – Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Phạm Tiến Nam – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; các ban chuyên môn của Ban Dân vận Trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Văn Phới – Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 30 – KH/ĐTQG ngày 23/4/2024 của Ban Chủ nhiệm Đề tài trọng điểm cấp quốc gia “Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới” do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm Chủ nhiệm.
Để có cơ sở thực tiễn xây dựng báo cáo đề tài phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Ban Dân vận Trung ương, Ban Chủ nhiệm Đề tài rất muốn được trao đổi với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam 5 vấn đề sau. Đó là: Đánh giá Bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm trong đó Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên truyền vận động hội viên nông dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng; đánh giá những tồn tại để rút ra bài học dân là gốc, dân là trung tâm. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần có giải pháp như thế nào để vận dụng bài học này vào thực tiễn. Giải pháp hiệu quả để thực hiện bài học vào thực tiễn; Kiến nghị đề xuất của Hội Nông dân Việt Nam để phát huy bài học này.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết: Bài học “Dân là gốc” “Dân là trung tâm” có ý nghĩa hết sức to lớn, đây là bài học của Đảng ta đã vận dụng ứng vào từng thời kỳ và có sự sáng tạo. Để giúp đoàn công tác có những đánh giá thực trạng và những tồn tại, khó khăn, giải pháp để phục vụ cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, Hội Nông dân Việt Nam đã nhận được kế hoạch của Ban Dân vận Trung ương.
Hội Nông dân Việt Nam đã giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương Hội chủ trì và yêu cầu các ban, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình có những đóng góp, đánh giá, vận dụng bài học này trong thực hiện công việc, cũng như đề xuất các chủ trương đối với công tác Hội và phong trào nông dân ở trên từng lĩnh vực. Trên cơ sở 5 vấn đề gợi mở của Ban Dân vận Trung ương, các ban đơn vị của Hội sẽ có những ý kiến chia sẻ, thảo luận và đề xuất trong quá trình vận dụng bài học này vào công tác Hội và phong trào nông dân.
Kết quả tích cực vận dụng Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” của Hội Nông dân Việt Nam
Báo cáo tóm tắt một số tình hình vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”, ông Nguyễn Văn Phan – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung xây dựng, củng cố tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, với hệ thống tổ chức 4 cấp và có các chi, tổ Hội đến thôn, bản. Mô hình tổ chức các chi, tổ hội đa dạng, phong phú theo địa bàn hành chính, nhóm nghề nghiệp và hàng ngàn câu lạc bộ nông dân, thu hút được trên 10,5 triệu Hội viên tham gia tổ chức Hội… Từ đó, Hội Nông dân Việt Nam trở thành nòng cốt trong phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới.
Hội Nông dân Việt Nam đã vận dụng sáng tạo bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tham mưu, chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân qua các thời kỳ.
Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung củng cố, xây dựng các nguồn lực tài chính hỗ trợ nông dân; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.
Thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng và triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân” đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đạt kết quả tích cực; tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đạt gần 4.500 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt trên 4.080 tỷ đồng, hỗ trợ trên 151.000 hộ hội viên nông dân vay vốn. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã trực tiếp hỗ trợ cho hội viên nông dân xây dựng, thành lập và phát triển các mô hình Chi Hội nghề nghiệp, Tổ Hội nghề nghiệp, tổ, nhóm liên kết, hợp tác, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân.
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ; hàng năm các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho trên 220.000 nông dân. Trên 80% nông dân có việc làm ổn định sau khi học nghề. Đồng thời, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Các cấp Hội chủ động phối hợp tổ chức tốt tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất. Tổ chức được 300.325 lớp tập huấn ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất cho trên 15 triệu lượt hội viên, nông dân; xây dựng trên 60.000 mô hình trình diễn VietGAP và chuyển giao thành công 2.700 mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.
Hội Nông dân Việt Nam đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành các chính sách về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hội Nông dân đã mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động Hội về cơ sở. Trong 20 năm qua, Hội đã kết nạp được trên 6,2 triệu hội viên mới; tổng số hội viên trong cả nước hiện nay là 10.192.865 hội viên. Đến nay, có 9.907/10.614 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội với 80.410 chi Hội, 143.053 tổ Hội.
Các cấp Hội đã thành lập được 3.645 chi Hội Nông dân nghề nghiệp và 36.636 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 482.362 hội viên tham gia.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng 73 mô hình “Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”, thành lập mạng lưới trên 5.000 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại các cơ sở…
Bên cạnh đó, Hội tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trách nhiệm công dân, xây dựng cộng đồng nông thôn đoàn kết, đồng thuận xã hội. Đồng thời, vận động nông dân tham gia có trách nhiệm các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân góp phần nâng cao sức mạnh của cơ quan quyền lực Nhà nước.
Hội Nông dân cũng tăng cường công tác hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ cán bộ, hội viên, nông dân đi nghiên cứu, học tập, lao động, quảng bá nông sản ở nước ngoài.
Phát biểu ý kiến thảo luận của các đại biểu tại Hội đã đặt ra 4 vấn đề, 5 giải pháp tiếp tục “Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”.
4 vấn đề đặt ra cụ thể là:
Thứ nhất, xu hướng nông dân làm nông nghiệp giảm, già hóa nhưng đòi hỏi phải tăng nhanh năng suất lao động, giá trị và sức cạnh tranh nông sản hàng hóa bền vững theo hướng sinh thái.
Nhận thức của nông dân về kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết chưa cao, một bộ phận không nhỏ thường bằng lòng, chấp nhận điều kiện sản xuất sẵn có với tâm lý an phận, ngại thay đổi là rào cản cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Thứ hai, Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi trình độ của nông dân còn thấp và phần lớn chưa qua đào tạo, thiếu các kỹ năng mềm, làm việc nhóm, tác phong sản xuất công nghiệp, hạn chế về khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Thứ ba, Nông dân có cơ hội để tiếp cận, tham gia chuỗi sản xuất giá trị nhưng cũng đặt ra những rủi ro đối với quyền lợi hợp pháp, chính đáng khi tham gia hợp tác, liên kết. Việc sản xuất theo hợp đồng và tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường là thách thức trước thói quen, ý thức kỷ luật lao động của đa số nông dân và tính bền vững trong hợp tác, liên kết với doanh nghiệp.
Thứ tư, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, xu thế biến đổi xã hội nông thôn, tác động tiêu cực của mạng xã hội, hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu mới đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao bản lĩnh chính trị, niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước.
Đề xuất 5 giải pháp thực hiện hiệu quả bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển của Hội trong tình hình mới
1. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân, khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của nông dân dân để phát triền nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới
2. Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
3. Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, học vấn, xây dựng người nông dân văn minh, có năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, làm chủ nông thôn.
4. Củng cố, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực tham mưu hoạch định chính sách giải phóng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
5. Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên cơ sở đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động, chuyển trọng tâm công tác về cơ sở.
Chia sẻ về vấn đề lấy dân làm gốc, dân làm trung tâm, ông Nguyễn Tiến Cường – Quyền Trưởng ban kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã khẳng định: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân khởi xướng, phát động đã triển khai sâu rộng từ lâu và đã trở thành phong trào trọng tâm của Hội. Thông qua phong trào này đã tập hợp đoàn kết nông dân và những nông dân giỏi này đã hỗ trợ giúp đỡ những nông dân nghèo khác tham gia phát triển kinh tế, làm giàu.
Thời gian tới, Hội sẽ tập trung đào tạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng đối tượng nông dân giỏi có kiến thức truyền nghề cho những nông dân khác. Đây là những nông dân đầu tàu thực hiện mục tiêu tri thức hoá ở nông thôn. Bên cạnh đó, Hội cũng hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình điểm, tham gia tập huấn ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi; ứng dụng công nghệ vào tìm hiểu thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đỗ Văn Phới – Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá cao Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo, chuẩn bị nội dung báo cáo toàn diện Hội Nông dân Việt Nam đã vận dụng sáng tạo bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tham mưu, chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân qua các thời kỳ.
Bài học kinh nghiệm “dân làm gốc”, “dân làm trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Hội Nông dân Việt Nam rất cụ thể và thiết thực.
Hội Nông dân Việt Nam đã đại diện cho giai cấp nông dân để tham gia, đề xuất, thảo luận, cho ý kiến, trên cơ sở đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương, tham gia với Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các chủ trương, chính sách này đều xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng, từ nhu cầu, nguyện vọng của giai cấp nông dân. Qua đó góp phần khơi dậy sức mạnh tham gia tích cực của nông dân trong quá trình đổi mới và xây dựng đất nước.
“Hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở đã tập trung hướng về người nông dân, lấy người nông dân làm gốc, làm trung tâm để xây dựng tổ chức Hội và chương trình hoạt động. Qua đó, tập hợp đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội, hội viên nông dân ngày càng gắn bó với hội, vai trò của Hội Nông dân ngày càng được thể hiện và khẳng định rõ hơn trong hệ thống chính trị” – đồng chí Đỗ Văn Phới nói.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cũng đánh giá cao các trao đổi ý kiến thảo luận của các đồng chí tại buổi làm việc đã đặt ra nhiều vấn, dự báo các xu hướng, những yếu tố tác động trong tiếp tục vận dụng bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới của Hội Nông dân Việt Nam.
“Có nhiều chủ trương, chính sách hướng đến nông dân nhưng trong thực tiễn, quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện còn những hạn chế, bất cập. Thành quả của công cuộc đổi mới đất nước hết sức to lớn. Thành quả đóng góp của nông dân vào công cuộc đổi mới rất lớn lao nhưng thụ hưởng của người nông dân còn chưa tương xứng với những đóng góp của họ. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã có 1 bộ phận nông dân mất đi tư liệu sản xuất, sinh kế…
Thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới xin trân trọng tiếp thu những đóng góp ý kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
“Đây là những thông tin, dữ liệu rất quý đối với Ban Chủ nhiệm đề tài trọng điểm cấp quốc gia “Bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới” – đồng chí Đỗ Văn Phới nhấn mạnh.
Nguồn: https://danviet.vn/hoi-ndvn-lam-viec-voi-ban-dan-van-trung-uong-ve-de-tai-trong-diem-cap-quoc-gia-bai-hoc-dan-la-goc-20240528202258014.htm