Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu thực tế rằng, các sản phẩm gạo ST25, cà phê Trung Nguyên… đăng ký sở hữu tại nước ngoài, nhưng ‘các doanh nghiệp trong nước không làm gì được’.
Ngày 28.5, Quốc hội thảo luận về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi. Tại dự thảo, TAND tối cao đề xuất thành lập 3 loại tòa án chuyên biệt, gồm hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản.
Đa số các đại biểu Quốc hội khi thảo luận đều bày tỏ sự ủng hộ thành lập các tòa án chuyên biệt. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng có phần giải trình về nội dung này.
Loại bỏ nguy cơ ảnh hưởng đến sự độc lập của tòa án
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, án hành chính là loại án rất phức tạp, xảy ra ngày càng nhiều ở hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước; đã nói đến án hành chính thì phần lớn người bị khởi kiện là chủ tịch UBND.
Trong khi đó, mô hình tổ chức tòa án ở Việt Nam gắn với địa giới hành chính, thẩm phán phải xét xử các quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND của tỉnh mình. Nếu không có quy định phù hợp, sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi xét xử các vụ án này.
Bà Thủy cho hay, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức giám sát chuyên đề án hành chính trong 6 năm liên tục và chỉ ra nhiều khó khăn đối với thẩm phán. Như Karl Marx đã nói: “Đối với thẩm phán thì không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp. Luật pháp là do Nhà nước tạo ra, do đó, Nhà nước có trách nhiệm loại bỏ tất cả các yếu tố có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán”.
Từ thực tế trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định việc thành lập tòa án chuyên biệt là rất cần thiết, nhằm thực hiện hiệu quả yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của tòa án” đặt ra tại Nghị quyết T.Ư 27, cũng là giải pháp căn cơ cho vấn đề án hành chính.
Với 2 loại án còn lại là phá sản và sở hữu trí tuệ, đại biểu Thủy nhận định rất khó về mặt chuyên môn. Các thẩm phán được phân công xét xử những loại án này không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu về mặt pháp luật mà còn đòi hỏi phải được đào tạo bài bản về kinh tế, tài chính.
“Án phá sản rất phức tạp, bởi vì cùng với việc tuyên bố một doanh nghiệp phá sản phải rời khỏi thị trường thì thẩm phán phải giải quyết đồng bộ tất cả các quan hệ phát sinh từ việc doanh nghiệp bị phá sản, bao gồm các quan hệ hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế lao động”, bà Thủy lấy ví dụ.
Nên thí điểm ở các thành phố lớn
Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng, cho rằng dự thảo luật quy định tòa án sơ thẩm chuyên biệt hành chính sẽ xét xử sơ thẩm đối với các khiếu kiện, quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật, buộc thôi việc từ cấp tỉnh trở lên.
Thế nhưng, dự thảo lại không quy định việc khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện trở xuống thì thuộc thẩm quyền của tòa án cấp nào giải quyết.
Theo ông Tạo, như vậy còn bất cập, không thống nhất giữa tòa án chuyên biệt và mô hình tòa chuyên trách cấp huyện, cấp tỉnh. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc quy định rõ ràng hơn.
Vẫn theo đại biểu tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, việc giải quyết các vụ án hành chính, sở hữu trí tuệ cơ bản đã được tòa án chuyên trách thuộc tòa án cấp tỉnh xử lý, đã đáp ứng được một phần yêu cầu. Tình trạng tồn đọng, kéo dài, quá tải hoặc áp lực cao nếu có xảy ra thì chỉ tập trung ở một số địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Vì thế, ông Tạo đề nghị nên thí điểm tòa án chuyên biệt ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trực thuộc T.Ư. Sau 3 – 5 năm sẽ đánh giá đầy đủ, khách quan trước khi quyết định thành lập các tòa chuyên biệt.
Đồng quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng đề nghị trước mắt chỉ nên thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Đây là những địa phương có nhiều án và khi bản án của các tòa sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị sẽ do 3 TAND cấp cao ở 3 địa phương này xét xử theo trình tự phúc thẩm.
“Như vậy vừa bảo đảm tập trung về nhân lực, vừa hạn chế phát sinh bộ máy, vừa bảo đảm tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao và đặc biệt vừa loại bỏ được nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán”, bà Thủy nêu.
“Chắc chắn sẽ không có chuyện thành lập tràn lan”
Giải trình tại phiên thảo luận, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình ghi nhận phần lớn các ý kiến của đại biểu ủng hộ thành lập tòa án chuyên biệt, nhằm tăng tính chuyên nghiệp của hệ thống tòa án.
Ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định “việc này các nước đều có”, và cho biết việc thành lập cụ thể các tòa án chuyên biệt như thế nào thì TAND tối cao sẽ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. “Chắc chắn sẽ không có chuyện thành lập tràn lan, thành lập chỗ nào cũng có”, Chánh án TAND tối cao nói.
Vẫn theo ông Nguyễn Hòa Bình, dự kiến của lãnh đạo TAND tối cao và Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là chỉ có 1 tòa chuyên biệt sở hữu trí tuệ, 2 tòa chuyên biệt phá sản và các tòa chuyên biệt hành chính ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và đang cân nhắc thêm ở TP.Cần Thơ.
Đáng chú ý, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình dành thời gian để nói về sự cần thiết thành lập các tòa án chuyên biệt, trong đó có tòa sở hữu trí tuệ.
“Hiện nay chúng ta đang đối mặt với một thực tế gạo ST25, cà phê Trung Nguyên, bưởi năm roi, nước mắm Phú Quốc… đăng ký sở hữu tại nước ngoài nhưng các doanh nghiệp trong nước không làm gì được”, ông Bình dẫn chứng.
Tình trạng trên đặt ra đòi hỏi rất cần một thiết chế tư pháp để bảo vệ doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia. “Nếu như chúng ta phải đối mặt với việc kiện tụng các thương hiệu này ở nước ngoài, thường phần thua thiệt về phía Việt Nam, vì chúng ta yếu về tài chính và luật pháp quốc tế”, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.