Qua thảo luận, nhiều đại biểu nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719. Một số đại biểu cho rằng, Chương trình được phê duyệt sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, khắc phục được vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, bày tỏ sự đồng tình đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 là cần thiết.
Đại biểu cho rằng, với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, thời gian vừa qua, Chương trình đã được triển khai tại các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu tạo được những tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cần thiết phải đề xuất điều chỉnh một số nội dung chủ trương đầu tư của Chương trình.
Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho biết, qua hoạt động giám sát, từ những phản ánh của cử tri và Nhân dân, trong thực tiễn triển khai Chương trình đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần phải điều chính đối tượng, phạm vi, nội dung và chỉ tiêu cụ thể của các dự án, tiểu dự án, nội dung dự án thành phần thuộc Chương trình. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình là cần thiết và cấp bách để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra.
Ủng hộ việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, việc điều chỉnh là cần thiết, tốt hơn, quy định cụ thể, rõ ràng hơn và thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình là phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ cho đồng bào DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, hồ sơ trình Quốc hội đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình cũng đã đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công.
Liên quan đề xuất điều chỉnh quy định về nguồn vốn, Đại biểu Quốc hội Y Vinh Tơr (Đắk Lắk) – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định: “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025”, nhưng trên thực tế, nguồn vốn của Chương trình gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến chưa thống nhất giữa quy định trong chủ trương đầu tư của Chương trình và nguồn vốn đã phân bổ và chưa đồng bộ với quy định hai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
“Quá trình thực hiện 3 năm vừa qua không vướng nhưng để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và phục vụ cho công tác hậu kiểm Chương trình sau này nên có sự điều chỉnh như Chính phủ đề xuất”, đại biểu Y Vinh Tơr đề nghị. Theo đó, đại biểu đề nghị Quốc hội điều chỉnh quy định về nguồn vốn thực hiện Chương trình thành “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành”.
Về điều chỉnh phạm vi đầu tư, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu rõ, dù đã được quan tâm rất lớn, được đầu tư nhiều nhưng thống kê cho thấy, vùng đồng bào DTTS vẫn còn hết sức khó khăn. Nhấn mạnh lại các quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng của Chương trình.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719 cần đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Nguồn: https://baodantoc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tan-thanh-voi-viec-dieu-chinh-chu-truong-dau-tu-chuong-trinh-mtqg-1719-1716881913013.htm