Sự dịch chuyển của ngành quản lý tài sản: Việt Nam là điểm sáng tiềm năng
Ngành quản lý tài sản thế giới đang có sự dịch chuyển từ các thị trường truyền thống sang các thị trường mới nổi, trong đó Việt Nam có thể trở thành “mỏ vàng” mới.
Sự chuyển dịch lớn
Theo TechsciResearch, thị trường quản lý tài sản toàn cầu (Wealth Management – WM) được định giá 1.100 tỷ USD vào năm 2022 và dự báo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) 9,85% cho đến năm 2028.
Nhiều năm qua, thị trường WM chủ yếu tập trung ở các nước phát triển, phục vụ tầng lớp thượng lưu. Nhưng bất ổn tài chính và tăng trưởng chậm chạp tại các nền kinh tế lớn đã tạo nên bước ngoặt lớn cho ngành quản lý tài sản. Tây Âu, từng là “thánh địa” của ngành quản lý tài sản toàn cầu, đang chìm trong khó khăn kéo dài. Trong khi đó, Bắc Mỹ tuy có dấu hiệu phục hồi sau Covid-19, nhưng vẫn chưa thể lấy lại đà tăng trưởng như trước.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay của khu vực kinh tế phát triển (bao gồm Tây Âu, Băc Mỹ…) chỉ đạt 1,7% – thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của các thị trường mới nổi (đạt 4,2%) và tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu (đạt 3,2%).
Diễn biến trên khiến thị trường WM có cuộc chuyển dịch lớn, với dòng vốn dần đổ về các thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực châu Á (nổi bật là Đông Nam Á). Sự dịch chuyển này làm thay đổi đáng kể cơ cấu thị trường và tầm quan trọng của từng khu vực.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Đông Nam Á là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng GDP trung bình đạt 4,6% vào năm 2023 và 4,8% vào năm 2024. Sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, điển hình là Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan, đang thu hút sự chú ý của các nhà quản lý tài sản toàn cầu nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng cùng tiềm năng phát triển to lớn của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Bên cạnh đó là sự chuyển dịch tài sản liên thế hệ, sự nổi lên của thế hệ nhà đầu tư mới am hiểu công nghệ và sự phát triển của các công ty WealthTech (kết hợp công nghệ và quản lý tài sản).
Tại Đông Nam Á, Thái Lan vươn lên trở thành một trong những thị trường quản lý tài sản phát triển nhất khu vực. Theo McKinsey, thị trường WM Thái Lan dự kiến tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới, với tổng tài sản được quản lý dự kiến tăng 10% mỗi năm. Với quy mô và cơ cấu dân số có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, Thái Lan được xem là hình mẫu cho sự phát triển của ngành WM tại Đông Nam Á.
Việt Nam – Điểm sáng mới tiềm năng của khu vực châu Á
Với nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, cùng với sức mạnh công nghệ và những triển vọng chưa được khai phá, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên thị trường WM.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR – trụ sở tại Anh), Việt Nam được dự đoán trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á vào năm 2036. Sự phát triển này được hỗ trợ bởi những thay đổi tích cực trong quy định, nguồn nhân lực chất lượng cao và sự gia tăng của tầng lớp siêu giàu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành một hệ thống quản lý tài sản hàng đầu trong khu vực.
Báo cáo của McKinsey về ngành quản lý tài sản tại Việt Nam cho thấy, thị trường tài chính Việt Nam phát triển đáng kể những năm gần đây. Dự báo đến năm 2027, thị trường tài sản tài chính cá nhân (PFA) tại Việt Nam đạt khoảng 600 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 11%/năm so với mức 360 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Về số tài sản tài chính cá nhân được quản lý (Wealth Management) tại Việt Nam trong năm 2022 đạt 45 – 52 tỷ USD. Doanh thu từ quản lý tài sản đạt 500 triệu USD.
Tỷ trọng tài sản được quản lý (AUM) so với tổng tài sản tài chính cá nhân (PFA) cũng tăng lên, nhưng mức tăng sẽ khác nhau tùy từng phân khúc khách hàng. Đặc biệt, phân khúc khách hàng có thu nhập khá được dự báo đạt mức tăng trưởng vượt trội, với tỷ trọng AUM tăng gấp 5,5 lần vào năm 2027. Trong khi đó, phân khúc khách hàng giàu có (HNWI) cũng không kém cạnh, với tỷ trọng AUM dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2027.
Đây chính là cơ hội vàng để các công ty quản lý tài sản tận dụng nguồn tài sản chưa được khai thác, bằng cách tập trung vào việc thu hút khách hàng giàu có mới và chuyển dịch dòng tiền nhàn rỗi từ tiền mặt và tiền gửi sang các giải pháp tài sản như đầu tư và bảo hiểm.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là việc thiếu hụt tài năng trong lĩnh vực này, đặc biệt là về kỹ năng tư vấn tài chính và kiến thức thị trường. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam, dù có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, nhưng chưa được phát triển đầy đủ để hỗ trợ các dịch vụ quản lý tài sản kỹ thuật số.
McKinsey nhận định, nếu khắc phục được những vấn đề hiện tại, các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và các fintech liên quan đến tài sản có thể ưu tiên phát triển lĩnh vực quản lý tài sản và khai thác tiềm năng thị trường to lớn này.
Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai – năm 2024/Vietnam Wealth Advisor Summit (VWAS) 2024 – diễn đàn duy nhất do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức sẽ diễn ra vào thứ Năm, ngày 6/6/2024, tại Khách sạn Pullman, Hà Nội.
VWAS 2024 có chủ đề “Ứng biến trong vạn biến/Adapting to Uncertainties”, với sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín trong nước và quốc tế. Diễn đàn sẽ thảo luận chuyên sâu về các kịch bản kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng; về các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư nhằm đạt hiệu quả trong danh mục và chuyên sâu về danh mục cổ phiếu.
Nguồn: https://baodautu.vn/su-dich-chuyen-cua-nganh-quan-ly-tai-san-viet-nam-la-diem-sang-tiem-nang-d216072.html