Mảng kinh doanh cốt lõi suy giảm
Theo BCTC quý I/2024, CTCP Cảng Hải Phòng (Mã CK: PHP) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 566 tỉ đồng, tăng 12,5%. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 216 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi hạch toán các chi phí, Cảng Hải Phòng báo lãi quý đầu năm 179 tỉ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, năm 2023, doanh thu thuần của PHP đạt 2.157 tỉ đồng, giảm hơn 8% so với năm 2022. Ngược lại doanh thu tài chính tăng 13%, lên 218 tỉ đồng trong khi chi phí tài chính giảm một nửa, xuống còn 9 tỉ đồng.
Công ty cũng ghi nhận khoản lợi nhuận khác cả năm đạt gần 90 tỉ đồng, gấp 5,1 lần so với năm trước; thu nhập khác đạt 140 tỉ đồng, gấp 7 lần năm trước, chủ yếu đến từ khoản tiền bồi thường một cần trục bị tàu nước ngoài đâm va gây hư hỏng.
Kết quả năm 2023, PHP báo lãi trước thuế 915 tỉ đồng và 746 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng 3% so với năm trước. Đây cũng là mức lãi cao nhất mà doanh nghiệp đạt được kể từ khi lên sàn từ 2015 đến nay.
Nhìn tổng thể bức tranh kinh doanh của Cảng Hải Phòng có thể thấy, hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp kém tích cực. Công ty ghi nhận lợi nhuận cao và tăng trưởng nhờ các khoản thu nhập khác, lợi nhuận khác và doanh thu tài chính.
Tiền mặt giảm 11% trong 3 tháng
Tại ngày 31.3.2024, tổng tài sản của Cảng Hải Phòng đạt 7.097 tỉ đồng, biến động không đáng kể so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 1.930 tỉ đồng, giảm gần 11% so với thời điểm đầu năm. Trước đó, cuối năm 2023, khoản mục này cũng giảm mạnh 30% so với đầu năm.
Khoản phải thu khách hàng đạt 289 tỉ đồng, tăng 16,8%. Trong đó, chiếm tỉ lệ lớn nhất là khoản phải thu tại SITC Container Lines Co.LTD (45,8 tỉ đồng); Maersk A/S (26,5 tỉ đồng); Wan hai lines ltd (18,2 tỉ đồng); Công ty TNHH Đại lý và môi giới VTB Quốc Tế (16,6 tỉ đồng).
Các khoản phải thu khác ở mức 236,6 tỉ đồng, giảm 10,4% so với đầu năm; trong đó, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn với 236,5 tỉ đồng.
Một khoản mục chiếm tỉ lệ khá lớn trong cơ cấu tài sản của Cảng Hải Phòng là tài sản dở dang dài hạn với 1.848 tỉ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Chủ yếu là giá trị xây dựng cơ bản dở dang tại Dự án 02 bến container số 3,4 Cảng cửa ngõ Lạch Huyện với 1.845 tỉ đồng, con số đầu năm là 1.618 tỉ đồng.
Tài sản cố định ở mức 1.947 tỉ đồng, giảm 1,4% so với thời điểm đầu năm; đầu tư tài chính dài hạn đạt 335 tỉ đồng, tăng 6%. Trong đó, đầu tư vào công ty liên doanh liên kết 319 tỉ đồng; đầu tư góp vốn vào đơn vị khác 17 tỉ đồng. Công ty dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn 1 tỉ đồng.
Khoản nợ xấu 36 tỉ đồng
Đáng chú ý, Cảng Hải Phòng có khoản nợ xấu hơn 36 tỉ đồng, công ty đã trích lập dự phòng rủi ro 35,5 tỉ đồng cho khoản nợ này. Trong đó, chủ yếu là các khoản nợ quá hạn trên 3 năm, ở mức 34,8 tỉ đồng, Cảng Hải Phòng trích lập dự phòng 34,8 tỉ đồng, tương đương 100% giá trị khoản nợ; còn lại là các khoản nợ quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm, nợ quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm, tổng cộng hơn 1,2 tỉ đồng.
Tại ngày 31.3.2024, nợ phải trả tại Cảng Hải Phòng ở mức 1.183 tỉ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ở mức 520 tỉ đồng, giảm 3,7% so với đầu năm. Công ty có khoản nợ dài hạn đến hạn trả hơn 24 tỉ đồng, đây là khoản vay ODA giai đoạn II.
Vốn chủ sở hữu tăng 3,1%, đạt 5.914 tỉ đồng, trong đó có 984 tỉ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/mang-kinh-doanh-cot-loi-suy-giam-cang-hai-phong-lai-cao-nho-dau-1325427.ldo