Cùng nhau du học, phát triển bản thân tại nước ngoài
Bắt đầu tìm hiểu nhau vào năm cuối đại học, vợ chồng dược sĩ Đặng Nguyễn Bảo Toàn (SN 1997) và Nguyễn Ái Hân (SN 1998) đã cùng nhau lên ý tưởng du học sau khi tốt nghiệp. Họ đã chọn khoa Dược, Đại học Keimyung, Hàn Quốc là nơi viết nên hành trình học tập Thạc sĩ của mình với gói học bổng toàn phần.
Hướng nghiên cứu của dược sĩ Toàn là xây dựng các hệ đưa thuốc hướng đích để điều trị bệnh ung thư thông qua liệu pháp miễn dịch. Bên cạnh đó, thiết kế, tổng hợp và thử hoạt tính các thuốc hóa dược mới là vấn đề nghiên cứu của dược sĩ Hân nhằm cải thiện hoạt tính sinh học và sinh khả dụng của nhiều loại thuốc như thuốc kháng virus và thuốc ung thư. Hai hướng nghiên cứu này chính là sự tiếp nối trong tiến trình phát triển các dạng thuốc mới.
Anh Toàn cho biết: “Khi thấy giáo sư có nhu cầu tuyển sinh viên và có hướng nghiên cứu phù hợp với bản thân, chúng mình đã chủ động liên hệ để tìm cơ hội làm việc.
Tuy nhiên, để nhận được phản hồi, đòi hỏi các ứng viên phải có một bộ hồ sơ ấn tượng, nêu bật được điểm mạnh và chứng minh được bản thân phù hợp với hướng nghiên cứu.
Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu và tham gia phỏng vấn của hội đồng trường, như GPA, điểm tiếng Anh, kế hoạch học tập và thư giới thiệu, ứng viên cũng cần thuyết phục được giáo sư đồng ý nhận hướng dẫn và tham gia vào các dự án nghiên cứu thông qua buổi phỏng vấn với giáo sư. Trong buổi phỏng vấn này, giáo sư thường sẽ kiểm tra kiến thức chuyên môn cũng như khả năng ngôn ngữ nhằm chọn ra ứng viên phù hợp”.
Vượt qua những tiêu chí khắt khe, vợ chồng dược sĩ Toàn đều nhận được học bổng toàn phần Brain Korea 21 của Bộ Giáo dục Hàn Quốc dành cho các nghiên cứu viên tham gia vào các dự án khoa học trong suốt thời gian học Thạc sĩ.
Hiện nay, anh Bảo Toàn đã tốt nghiệp Thạc sĩ và đang là nghiên cứu viên sau Thạc sĩ tại khoa Dược, Đại học Sungkyunkwan, Hàn Quốc. Còn Ái Hân sẽ nhận bằng tốt nghiệp Thạc sĩ trong thời gian sắp tới.
Sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ, với mong muốn cùng nhau tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, hai vợ chồng đã thực hiện chiến thuật “nộp chung, đậu chung” trong quá trình ứng tuyển học bổng Tiến sĩ. Và vào tháng 8 sắp tới, họ sẽ đồng hành với nhau trong chương trình Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Y Sinh tại Đại học Connecticut, Mỹ với học bổng toàn phần.
Hai người ưu tiên chọn học ngành Kỹ thuật Y sinh bởi đây là một ngành mới với tiềm năng phát triển, đòi hỏi có kiến thức đa ngành để giải quyết các vấn đề y tế hiện đại. Hơn nữa, ngành học này có tính ứng dụng cao, giúp rút ngắn quá trình đưa những thuốc mới từ phòng nghiên cứu đến giường bệnh.
Ngoài được miễn học phí, cả hai đều được nhận khoản hỗ trợ khoảng 29.000 USD cho năm học trong vai trò trợ lý nghiên cứu của các giáo sư. Và khoản hỗ trợ này cũng sẽ tăng dần lên mỗi năm trong quá trình học.
Bí quyết chinh phục học bổng du học trời Tây
Để có được trái ngọt này, cả hai đã bắt đầu tìm hiểu và chuẩn bị cho chương trình Tiến sĩ từ sớm. Sau khi hoàn thành thi chứng chỉ IELTS, họ đã nhanh chóng hoàn thành CV, viết bài luận, xin thư giới thiệu chất lượng từ các giáo sư hướng dẫn ở hai đất nước Việt Nam và Hàn Quốc và hoàn tất gửi hồ sơ cho các trường đại học.
Bằng trải nghiệm của mình, vợ chồng dược sĩ tâm sự: “Tiêu chí để xin được học bổng Tiến sĩ ở Mỹ không dừng ở bài luận, GPA hay điểm tiếng Anh, mà điều quan trọng nhất đó là kinh nghiệm nghiên cứu của ứng viên.
Các giáo sư rất quan tâm đến khả năng nghiên cứu của ứng viên thông qua tìm hiểu các dự án nghiên cứu, kỹ thuật thí nghiệm, cách đặt câu hỏi nghiên cứu, cách xử lý vấn đề khi gặp khó khăn”.
Nắm được mấu chốt, hai dược sĩ tập trung hoàn thiện các đề tài nghiên cứu, cho ra nhiều kết quả có giá trị và xuất bản được các bài báo khoa học trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao. Từ đó, họ chứng minh được khả năng nghiên cứu độc lập.
Do đó, trước khi nộp hồ sơ tiến sĩ, cả hai đều có được những công bố khoa học đầu tay. Điển hình như, Dược sĩ Toàn có một bài viết tổng quan được xuất bản trên tạp chí Journal of Controlled Release, dược sĩ Hân cũng đã xuất bản một bài báo khoa học trên tạp chí khác.
Đặc biệt, trong quá trình nộp hồ sơ, vợ chồng trẻ đã đề ra một số tiêu chí nhất định trong việc chọn trường, chọn ngành. Hai người tâm sự: “Chúng mình ưu tiên nộp hồ sơ vào những trường có thứ hạng tốt ở Mỹ, chỉ nộp 5 trường tiềm năng.
Về ngành học, chúng mình ưu tiên chọn các ngành Dược hoặc Kỹ thuật Y sinh của các trường đại học, tùy thuộc vào xếp hạng của trường, ngành, hướng nghiên cứu và giáo sư phù hợp”.
Theo đuổi con đường nghiên cứu học thuật là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các nghiên cứu sinh phải có đam mê và quyết tâm cao độ. Để duy trì được điều đó, vợ chồng dược sĩ Toàn – Hân luôn đặt sức khỏe thể chất lẫn tinh thần lên trên hết. Họ cố gắng cân bằng giữa cuộc sống và công việc để đảm bảo được chất lượng cuộc sống.
“Cả hai luôn cố gắng hoàn thành hết các công việc trong ngày làm, dành thời gian cho bản thân, gia đình, bạn bè và giảm thiểu thời gian lên phòng thí nghiệm vào các ngày cuối tuần và ngày lễ.
Điều này giúp chúng mình giữ được năng lượng và tinh thần làm việc tích cực, giảm căng thẳng và giúp tăng khả năng sáng tạo và hiệu quả công việc”, cặp đôi bộc bạch thêm.
Với hành trình nghiên cứu sắp tới, hai vợ chồng dược sĩ hy vọng sẽ trau dồi thêm kinh nghiệm, học cách vận hành phòng nghiên cứu, xin quỹ nghiên cứu và đạt được giấy chứng nhận khả năng nghiên cứu độc lập của một nghiên cứu viên chính trong sự nghiệp học thuật sau này của bản thân.
Đồng thời, với tư cách là người đi trước, cặp đôi cũng khuyến khích các bạn có chung sở thích hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, trau dồi kiến thức để trao cho mình cơ hội tiếp cận với những khoa học kỹ thuật tiên tiến thế giới.
Từ đó, mỗi người có thể mở rộng kiến thức, tầm nhìn và học hỏi nhiều thứ mới lạ hơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/vo-chong-9x-cung-nhau-chinh-phuc-hoc-bong-toan-phan-tai-my-han-quoc-20240528065017301.htm