Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Xem xét lại điều kiện trợ cấp hưu trí
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) góp ý nội dung dự thảo Luật liên quan đến trợ cấp hưu trí xã hội, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, tại điểm a khoản 1 Điều 20 dự thảo (quy định đủ 75 tuổi trở lên).
Ông Thông cho rằng độ tuổi này là quá cao so với tuổi thọ trung bình của dân số cả nước ta hiện nay (theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, tuổi thọ trung bình của dân số nước ta là 73,7 tuổi, năm 2022 là 73,6 tuổi).
Về điều kiện để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu cho rằng thực tế hiện nay, có những người thỏa mãn cả 2 điều kiện tại điểm b khoản 1 dự thảo, nhưng lại có thu nhập rất cao từ các nguồn khác như: nguồn hỗ trợ của con cái hoặc các nguồn thu nhập hợp pháp khác, nhưng vẫn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Từ đó, đại biểu kiến nghị sửa đổi lại khoản 1 Điều 20 theo hướng hạ điều kiện về độ tuổi (tại điểm a khoản 1) xuống bằng hoặc thấp hơn tuổi thọ trung bình của nước ta hiện nay, đồng thời bổ sung thêm điều kiện không có nguồn thu nhập ổn định khác để phù hợp với tình hình thực tế.
Quan tâm đến đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (Điều 20), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho biết, khoản 1 Điều 20 quy định công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện: Đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ; có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; khoản 2 của Điều này quy định công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đồng thời bảo đảm quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.
Theo bà Ngân, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được quy định trong Luật, do Quốc hội quyết định, quy định. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 20 dự thảo Luật quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại điểm a khoản 1 Điều này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ.
Bà Ngân đề nghị, cần nghiên cứu, xem xét lại nội dung quy định này để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đúng thẩm quyền.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, dự thảo Luật cũng có quy định ngoại lệ đối với đối tượng được ưu tiên, theo đó người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì chỉ cần “từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi” sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Tuy nhiên đối với quy định về giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì lại chỉ đối với điểm a khoản 1 là trường hợp “Đủ 75 tuổi trở lên”.
Để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đại biểu đề nghị theo hướng khi giảm dần độ tuổi ở điểm a khoản 1 thì đồng thời độ tuổi đối với trường hợp ở khoản 2 cũng sẽ giảm tương ứng.
Bởi nếu không sẽ dẫn đến có thể có trường hợp khi giảm độ tuổi nhiều lần ở điểm a khoản 1 sẽ về bằng với độ tuổi tại khoản 2 (lúc này sẽ không còn là quy định ưu tiên nữa, và trường hợp này người hưởng bình thường với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn độ tuổi lại là như nhau).
Đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
ĐBQH Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nêu rõ, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một đạo luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động đã và đang làm việc, kể cả những người đã mất và gia đình họ. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét các quy định của dự án Luật là đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội, được cử tri cả nước quan tâm.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu, giải trình, đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập.
Đại biểu Ma Thị Thúy cũng cho rằng cần lùi thời điểm xem xét, thông qua Luật BHXH sang Kỳ họp thứ 8 để đảm bảo thận trọng, đánh giá đầy đủ tác động chính sách tiền lương mới đối với các quy định luật BHXH và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động là đông đảo người lao động.
“Chúng ta không thể quyết định chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động dựa trên tiền của người lao động và người sử dụng lao động đóng góp trực tiếp mà bản thân họ lại không được tham gia ý kiến. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến người lao động để bảo đảm chính sách ban hành được khả thi, hiệu quả với nhiều chính sách tốt hơn, tiến bộ hơn so với Luật BHXH năm 2014”, bà Thúy nhấn mạnh.
Cùng nêu ý kiến, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho biết, hầu hết các quy định trong dự thảo luật đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính sách tiền lương vì đây là căn cứ để thu chi và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội.
Qua nghiên cứu các báo cáo, đại biểu cho biết nội dung này có sự chưa thống nhất. Cho đến nay chưa có báo cáo đánh giá đầy đủ tác động chính sách gửi đến ĐBQH theo đúng quy định.
Đại biểu cho rằng, việc sử dụng cũng như chính sách liên quan đến BHXH là vấn đề rất lớn. Do đó, việc thay đổi chính sách này không thể không lấy ý kiến rộng rãi người lao động trong bối cảnh cải cách tiền lương.
Trong khi tiền lương sẽ có thay đổi căn bản từ 1/7/2024 và không rõ mức tham chiếu sẽ được xây dựng và tổ chức thực hiện như thế nào. Mặt khác, việc này cũng phát sinh chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7.
Theo đại biểu, chính sách BHXH là sự chia sẻ giữa các thế hệ, không chỉ là nguyên tắc đóng hưởng của mỗi cá nhân. Do đó, với người đang làm việc, BHXH hôm nay sẽ có tác động đến lương hưu của người đã nghỉ hưu và sự chia sẻ giữa các thế hệ cần được quan tâm trong quá trình cải cách tiền lương. Phải làm sao để người làm việc và người nghỉ hưu không có khoảng cách khá xa về tiền lương.
Vì vậy, đại biểu đề nghị có đánh giá tác động và nghiên cứu thấu đáo. Về thời điểm thông qua luật, đại biểu kiến nghị nên thông qua sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương (1/7).
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/75-tuoi-moi-duoc-huong-tro-cap-huu-tri-xa-hoi-la-qua-cao-a665521.html