Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành đề xuất của TAND tối cao về việc đổi tên tòa án tỉnh và huyện, vì việc này chưa bảo đảm thực chất, chưa thực sự cần thiết.
Theo chương trình kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, sáng mai 28.5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến tranh luận là việc TAND tối cao – cơ quan chủ trì soạn thảo – đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.
Đổi tên nhưng nhiệm vụ vẫn như cũ
Trong báo cáo gửi các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, đang có 2 luồng ý kiến về vấn đề trên.
Một số ý kiến tán thành đổi mới hệ thống TAND theo thẩm quyền xét xử như đề xuất trong dự thảo và đề nghị quy định cụ thể các vấn đề liên quan (như quan hệ giữa tòa án với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương…).
Ngược lại, một số ý kiến không tán thành, có ý kiến thì đề nghị thí điểm về tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử tại một số địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, việc đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, nhưng nhiệm vụ và quyền hạn của các tòa án lại không thay đổi.
Các tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh. TAND phúc thẩm vẫn xét xử, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm một số vụ án, vụ việc.
Cạnh đó, quy định như dự thảo luật chưa đáp ứng chủ trương của Nghị quyết 27-NQ/TW về việc “khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử” và “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”.
Mặt khác, việc đổi tên TAND còn dẫn tới không thống nhất về tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương; phải sửa đổi nhiều luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp; phát sinh nhiều chi phí khác như sửa con dấu, biển hiệu, các loại biểu mẫu, giấy tờ…
Từ những căn cứ đã nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định của luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.
Chưa thực chất, chưa thực sự cần thiết
Đối với đề nghị thực hiện thí điểm tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử tại một số địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục khẳng định, việc đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện là chưa bảo đảm thực chất, chưa thực sự cần thiết.
Ngoài ra, lĩnh vực tư pháp có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Do đó, việc thí điểm cần được nghiên cứu thật kỹ, đánh giá toàn diện và cân nhắc hết sức thận trọng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa thực hiện thí điểm TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm tại một số địa phương.
Với đề nghị còn lại là tổ chức tòa án theo cấp xét xử kết hợp với khu vực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đây là nội dung rất quan trọng, liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án và nhiều cơ quan tư pháp khác.
Việc có nên thành lập tòa án khu vực hay không đã được đặt ra ngay từ khi xây dựng luật Tổ chức TAND năm 2014, nhưng chưa có sự thống nhất cao. Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 27-NQ/TW không đề cập nội dung này.
Từ những căn cứ đã nêu, đồng thời quán triệt các nguyên tắc trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của luật hiện hành.
Xây dựng 2 phương án để thảo luận
Do đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau và TAND tối cao tiếp tục đề nghị đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Phương án 1: quy định TAND tỉnh và TAND huyện (như quy định của luật hiện hành).
Phương án 2: quy định TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm (như đề nghị của TAND tối cao).
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-khong-tan-thanh-doi-ten-toa-an-tinh-va-huyen-185240527155948488.htm