Hà Giang, mảnh đất biên giới cực Bắc của Tổ quốc, không chỉ nổi tiếng bởi các địa danh du lịch, mà còn được biết đến bởi các làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó là nghề làm hương truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao ở xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang.
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử hàng trăm năm nhưng những làng nghề làm hương truyền thống của đồng bào vùng cao Hà Giang vẫn giữ được nghề làm hương sạch hoàn toàn thủ công không dùng hóa chất.
Tại cuộc thi Happy Việt Nam – Việt Nam hạnh phúc năm 2023, do Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông, lần đầu tiên phát động và tổ chức, tác giả Bùi Cương Quyết đã tham gia với bộ ảnh mang tên Nghề làm hương truyền thống ở Linh Hồ (Hà Giang), để khán giả trải nghiệm rõ nét về một nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm của đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang.
Nghề làm hương ở xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, hiện có khoảng 100 hộ đang sản xuất hương truyền thống. Nguyên liệu được đồng bào tự đi lấy trên rừng và chế biến, từ cây mai để làm chân hương, vỏ cây quế rừng và đặc biệt là lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau…Sản phẩm hương được làm theo phương pháp thủ công truyền thống nên được nhiều khách hàng lựa chọn, mang lại thu nhập, góp phần giải quyết việc làm cho bà con nơi đây.
Đến những bản người Tày của xã Linh Hồ (Vị Xuyên), ngoài cảm giác thanh bình, yên ả của một vùng quê rẻo cao, sẽ còn bị mê mẩn bởi hương thơm dịu nhẹ từ những nén hương do chính bàn tay của người dân bản địa làm ra từ các loại lá và vỏ cây rừng.
Trước đây, hầu hết các hộ trong bản đều tự làm hương để đốt vào những dịp lễ, Tết; nhưng bây giờ chỉ còn vài chục hộ biết làm nghề hương truyền thống.
Mỗi nén hương mỏng manh như vậy, nhưng để làm ra là cả một nghệ thuật. Công đoạn đầu tiên là chẻ tăm hương, tăm hương được làm từ những cây tre, vầu với gióng dài và thẳng được ngâm vài tháng dưới ao, sau đó được vớt lên phơi nắng và chẻ nhỏ, dài chừng 40 – 50 cm. Để que hương cháy đượm, không bị tắt giữa chừng, bà con phải phơi tăm hương thật kỹ trước khi đem lăn bột.
Bột hương được người Tày xã Linh Hồ làm từ vỏ cây quế và cây nho rừng. Vỏ cây sau khi lấy trên rừng về được phơi khô, băm nhỏ và giã nhuyễn rồi được pha trộn theo một tỷ lệ nhất định, sao cho đảm bảo độ kết dính và hương thơm. Sau đó đến công đoạn lăn hương, đây là công đoạn vất vả nhất vì rất giặm, đòi hỏi người làm phải thật khéo và nhanh tay.
Khi lăn hương, người làm nhúng tăm hương vào xô nước, sau đó đem lăn qua, lăn lại trên lớp bột vỏ cây đã được trộn sẵn, rồi nhúng vào xô nước và tiếp tục lăn, cứ như vậy cho đến khi được một nén hương to bằng chiếc đũa. Rồi đem phơi dưới nắng nhẹ, khoảng 2 – 3 nắng, đảm bảo que hương khô, cứng và cháy đượm. Hương do người Tày ở Linh Hồ làm ra khi đốt tỏa mùi thơm thanh khiết, dễ chịu bởi được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên và an toàn cho sức khỏe con người.
Hiện nay, trên địa bàn xã Linh Hồ còn khoảng gần 50 hộ gìn giữ được nghề làm hương, nhưng bà con chủ yếu làm vào dịp nông nhàn nên nguồn thu đem lại cũng không đáng kể, trung bình mỗi hộ thu nhập thêm từ nghề làm hương khoảng 15 – 20 triệu đồng/năm. Vào những ngày chợ phiên, bà con thường đem bán ở chợ trung tâm xã và bán giao cho một số cửa hàng ở các xã lân cận.
Theo thời gian, nghề làm hương truyền thống đã và đang dần được đồng bào nơi đây khôi phục và phát triển.
Đến với mỗi bản làng nghề truyền thống Vị Xuyên, cũng chính là một trải nghiệm nghề truyền thống tiêu biểu đặc sắc trong đời sống văn hoá của đồng bào nơi đây./.
vietnam.vn