“Chào mừng các anh, chị đã đến với “tiểu hành tinh” Ấn Độ!” – Đức Long, hướng dẫn viên của đoàn vui vẻ thông báo khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Indira Gandhi, mang tên nữ thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ.
Phân cực giàu – nghèo sâu sắc
Dù nhiệt độ những ngày đầu tháng 5 lên tới 43 – 45 độ C, nhưng chỉ hành khách trên xe được hưởng làn gió điều hòa mát lạnh, người tài xế vừa lái xe vừa lau mồ hôi tuôn như suối.
Giữa tài xế ô tô và khoang hành khách được ngăn cách bằng kính. Khoang lái không hề có điều hòa, không phải vì sự an toàn như các nước Âu Mỹ, mà bắt nguồn từ… phân biệt giai cấp.
Sự phân cực ngay trên chiếc xe du lịch là minh chứng cho sự phân chia hệ thống 5 đẳng cấp duy trì bền vững tại Ấn Độ từ trước Công nguyên tới tận ngày nay. Những người phục vụ ở tầng lớp thấp nhất, thậm chí trước đây còn không dám đến quá gần những người ở tầng lớp trên.
Phụ nữ Ấn Độ sau kết hôn đa phần không đi làm và thường đẻ nhiều con
Họ đa số đều mặc trang phục cũ và thái độ rụt rè khi giao tiếp. Không như câu chuyện phim “Tỉ phú ổ chuột” của Hollywood, rất hiếm có trường hợp người ở tầng lớp đáy cùng của xã hội vươn lên thành tỉ phú, hay cậu bé ăn xin trở thành chuyên gia công nghệ.
Ở thủ đô New Delhi, dễ dàng bắt gặp những khu nhà ổ chuột dựng tạm bợ ở khắp nơi, những người vô gia cư nằm ngủ co quắp trên mái nhà, trên nắp thùng xe, trên những dải phân cách giữa đường cái. Những người ăn xin xòe tay ra với du khách ở bất kỳ đâu. Nhưng những người Ấn Độ cũng rất hào hứng nài nỉ xin được chụp ảnh cùng du khách bất kỳ như xin chụp cùng người nổi tiếng.
Trên các tuyến đường bộ cao tốc, người ta có thể bắt gặp cả xe máy, cả những nhóm người đứng ra giữa đường vẫy xe, cả người chạy bộ lẫn người đi lang thang. Và ở nhiều tỉnh của miền đông Ấn Độ, xe ô tô thường xuyên phải dừng chờ cho những chú bò đang nằm dài ngồi dậy, lững thững đi.
Dù là đất nước có GDP trong top 5 thế giới, song sự giàu có của Ấn Độ chỉ tập trung ở một số ít người thuộc tầng lớp cao nhất. Phần đông dân số của đất nước đông dân nhất hành tinh – 1,44 tỉ người – sống dưới mức nghèo khó với mức thu nhập dưới 1 USD/ngày.
Dân số quá đông trong khi việc làm ít ỏi, khan hiếm khiến trên đường phố Ấn Độ ở bất kỳ thành phố nào, bất kỳ giờ giấc nào trong ngày cũng có thể bắt gặp rất nhiều người lang thang trên đường.
Đặc trưng của đất nước này là đàn ông ra ngoài làm việc, phụ nữ ở nhà sinh con và chăm sóc gia đình. Vì thế, rất ít khi bắt gặp phụ nữ tại nơi làm việc hay kinh doanh buôn bán hay ngoài đường phố. Nhiều phụ nữ thế hệ mới của Ấn Độ được học hành bài bản ngày nay thậm chí không muốn kết hôn, để tránh sau khi kết hôn phải nghỉ việc ở nhà.
Mối tình bất hủ ở Taj Mahal
Nhưng bất chấp những điều đó, Ấn Độ vẫn đặc biệt hấp dẫn và thú vị với lịch sử nền văn minh sông Hằng hàng nghìn năm được giữ gìn rất ấn tượng.
Cách thủ đô New Delhi khoảng 230 km với 3 giờ di chuyển bằng ô tô, khu lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng nổi tiếng nhất Ấn Độ nằm ở thành phố Agra – một trong 3 “tam giác vàng” du lịch của Ấn Độ là Delhi – Agra – Jaipur.
Sau gần 400 năm xây dựng, màu trắng của Taj Mahal vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn, nhìn sang Pháo đài đỏ Agra bên kia sông. Taj Mahal không chỉ nổi tiếng với câu chuyện tình yêu của vua Shah Jahan dành cho hoàng hậu Mumtaz Mahal, mà còn với kiến trúc độc đáo được UNESCO miêu tả là “kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới”.
Với kiến trúc Hồi giáo đặc trưng, nét độc đáo nhất của Taj Mahal chính là lối kiến trúc đối xứng trên nền móng hình vuông với 4 cửa vòm, ban công, cửa sổ, tháp… Để xây dựng công trình vĩ đại này, vua Shah Jahan đã huy động 20.000 thợ xây, cắt đá, khảm, họa sĩ, thư pháp lành nghề từ khắp Trung Á, Iran… làm việc ngày đêm trong 21 năm.
Vẻ đẹp và kiến trúc Hồi giáo của Taj Mahal thu hút hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm
Nguyện vọng của nhà vua là sẽ xây thêm một lăng mộ đen đối xứng với lăng mộ dành cho người vợ yêu quý của mình. Tuy nhiên, về cuối đời, xung đột và tranh chấp quyền lực khiến ông bị chính con trai của mình giam giữ trong căn phòng nhỏ tại Pháo đài Đỏ nhìn sang Taj Mahal.
Sau khi Shah Jahan mất, ông mới được con trai đặt an nghỉ cạnh người vợ ông yêu quý nhất tại Taj Mahal. Do lăng Taj Mahal đã hoàn tất từ lâu, nên mộ hoàng hậu đặt chính giữa, mộ của Shah Jahan được đặt bên phải, đây cũng là chi tiết bất đối xứng duy nhất trong lăng.
Taj Mahal nổi tiếng không chỉ với du khách thế giới mà với chính người Ấn, khi hàng chục nghìn du khách Ấn vẫn đến đây mỗi ngày từ sáng sớm (6 giờ sáng) để được chiêm ngưỡng kiệt tác.
Một trong những kiến trúc nổi bật tại các công trình cổ của Ấn Độ là đá cẩm thạch đỏ
Ấn Độ cũng là quốc gia có sự đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng với nhiều tôn giáo chính như Ấn Độ giáo, Hồi giáo, đạo Sikh, Kito giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo, Hỏa giáo, Do thái giáo. Dù là đất nước khai sinh ra Phật giáo, nhưng số người Ấn còn theo Phật giáo lại rất ít so với các tôn giáo khác.
Dù vậy, người Ấn Độ vẫn dành sự tôn trọng đặc biệt cho Phật giáo, khi ngay tại sân bay Gandhi, du khách có thể bắt gặp những điêu khắc biểu tượng các tư thế của bàn tay Phật. Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ tại New Dehli cũng dành hẳn một khu vực trưng bày các di tích cổ đại của đạo Phật cũng như xá lị của ngài.
Masala, trà chai, bánh naan và xe tuk tuk
Tương tự như người Việt, các xe bán hoa quả, đồ uống, thực phẩm tràn ngập trên đường phố Ấn Độ cùng những chiếc xe tuk tuk màu vàng xanh. Đặc trưng của các món ăn này là rẻ, nhưng không phải du khách nào cũng có thể ăn, uống do gia vị kiểu Ấn.
Xe tuk tuk, thức ăn đường phố là nét đặc trưng nhất trên mọi đường phố của Ấn Độ
Masala chai – một loại trà sữa có nguồn gốc từ Ấn Độ rất được người Ấn ở mọi tầng lớp ưa chuộng. Chai trong tiếng Hindi là trà. Khác với trà sữa hiện nay, thành phần chính của masala chai là trà đen được ủ cùng với những loại gia vị thảo mộc nổi tiếng của Ấn Độ kết hợp với sữa, chất làm ngọt (đường cát, đường phèn, đường thốt nốt, mật ong, siro hoặc mật mía…) và gia vị masala.
Masala là một loại bột hỗn hợp gia vị cay nóng có nguồn gốc từ Ấn Độ, tạo thành từ những nguyên liệu thực vật có mùi vị cay khác, là loại gia vị gần như không thể thiếu trong mọi món ăn của người Ấn.
Nhiều nghiên cứu cho rằng loại trà sữa masala chai đã xuất hiện cách đây 5.000 năm – trở thành thức uống linh hồn của ẩm thực Ấn Độ. Người Ấn bình dân thường uống chai được nấu trực tiếp tại những hàng đồ uống ngay trên vỉa hè, trong những chiếc cốc thủ công bằng đất nung.
Người Ấn giàu có hơn hoặc khách du lịch thì thưởng thức chai tại những khách sạn 4 sao, 5 sao do các đầu bếp chế biến. Nhưng dù uống ở đâu thì chai đều để lại hương vị đặc trưng khó quên, xen giữa mùi quế, hồi và nhiều thảo mộc khác là mùi gia vị masala với vị hơi cay.
Người Ấn uống chai hàng ngày và ăn bánh naan cũng hàng ngày. Loại bánh mì này có nguồn gốc từ vùng Trung Á, du nhập vào Ấn Độ từ thế kỷ thứ 10. Ban đầu, bánh mì naan Ấn Độ được làm từ bột mì nguyên cám và nướng bằng than củi. Ngày nay, bánh mì naan được làm từ nhiều loại bột mì khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là bột mì nguyên cám sharbati.
Vài năm trở lại đây, nhiều du khách Việt đã chọn Ấn Độ là điểm đến với tour hành hương tới cội nguồn đất Phật dọc các thành phố phía đông Ấn Độ và tour “tam giác vàng” phía tây. Dù theo hướng nào, thì Ấn Độ cũng là một vùng đất đặc biệt, một “tiểu hành tinh” quá nhiều điều khác lạ và cần phải đến một lần trong đời.
Từ Việt Nam hiện có nhiều đường bay tới Ấn Độ. Mới nhất, ngày 20.5, Vietnam Airlines đã khai thác đường bay mới giữa Hà Nội, TP.HCM và Mumbai (Ấn Độ) với 4 chuyến bay mỗi tuần.
Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã khai thác đường bay thẳng kết nối Việt Nam và thủ đô New Delhi từ tháng 6.2022.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-chuyen-doc-la-o-tieu-hanh-tinh-an-do-185240526175622823.htm