Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung phiên họp…
09h21: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Cần hoàn thiện, bổ sung theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động là đối tượng ưu tiên hàng đầu
Qua nghiên cứu dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nhận thấy, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa các ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp trước và bày tỏ thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội.
Về bảo vệ quyền lợi của người lao động khi xử lý vi phạm về BHXH, bảo hiểm y tế và thực hiện thủ tục phá sản, đại biểu cho biết, về thứ tự ưu tiên, căn cứ vào điều 54 của Luật Phá sản năm 2014, những chi phí mà doanh nghiệp cần ưu tiên thanh toán: chi phí quản tài viên doanh nghiệp quản lý, chi phí kiểm toán, chi phí thanh lý tài sản…; thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động và những quyền lợi khác theo hợp đồng lao động mà công ty đã kí kết… Do đó, đại biểu cho rằng, việc chăm lo, bảo vệ, tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững là yếu tố sống còn giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Từ Điều 37 đến Điều 40, đại biểu nhận thấy dự thảo Luật đã quy định rõ, phù hợp với bối cảnh hiện nay, nguyên tắc là vi phạm tới đâu thì xử lý tới đó.
Về các nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù tại Điều 41, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, đây là quy trình thực hiện BHXH đồng bộ với điểm a khoản 1 Điều 54 về thứ tự phân chia tài sản tại Luật Phá sản năm 2014. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bất cứ trường hợp nào cũng được xem xét là đối tượng ưu tiên hàng đầu, phải thực hiện các thủ tục pháp lý về phá sản và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT với doanh nghiệp.
Về biện pháp xử lý vi phạm chậm, trốn đóng BHXH đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 37 đến Điều 40, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nhận thấy, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, có sự chưa tương thích giữa Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vào xử lý hoặc chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm.
9h15: Đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ: Đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động
Đại biểu Đào Chí Nghĩa cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh hiện nay quy định tại dự thảo luật hiện rất rộng, khó quản lý đối với cơ quan chức năng. Hiện chưa có cơ sở dữ liệu về lao động nên tính khả thi chưa cao. Do đó, đề nghị nghiên cứu nội dung này rõ hơn, bảo đảm tính khả thi.
Về trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Điều 12, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội tại Điều 17, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng quy định thời gian cơ quan bảo hiểm xã hội báo cáo với Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội và định kỳ 5 năm đánh giá khả năng cân đối Quỹ hữu trí, tử tuất trong báo cáo tình hình quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội là quá dài và không kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh tồn tại. Do đó, đại biểu đề nghị giảm thời gian quy định tại Điều này theo hướng: Cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ 3 tháng báo cáo với cơ quan quản lý, 6 tháng báo cáo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ có liên quan; 6 tháng báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp và định kỳ 3 năm sẽ đánh giá, dự báo khả năng cân đối quỹ.
Về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm…để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. Quy định này cũng nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch.
Về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Đào Chí Nghĩa tán thành với phương án 2. Đại biểu cho rằng phương án này dù không chấm dứt tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng đảm bảo quyền lựa chọn của người tham gia bảo hiểm xã hội; giữ chân người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài và về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội.
9h08: Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ bày tỏ cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đã tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Về vấn đề cụ thể, dự thảo Luật đã mở rộng thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương,… Quan nghiên cứu, đại biểu cho biết, quy định như trong dự thảo Luật thì chủ hộ kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương sẽ phải gánh hai vai, vừa là người lao động, vừa là người sử dụng lao động và phải đóng tổng mức 25%.
Đại biểu nêu rõ, tác động tích cực là khi mở rộng các đối tượng trên sẽ gia tăng người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, tăng quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đối với lợi ích của các đối tượng chịu tác động, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chỉ đưa ra nhận định rất định tính, không có số liệu chứng minh nhóm đối tượng này có nhu cầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi dự thảo Luật, đảm bảo công bằng giữa những đối tượng này với các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội khác, không vì mục tiêu gia tăng số người nộp bảo hiểm xã hội mà bỏ qua nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, cân nhắc thêm các đối tượng trên nên tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện.
Đối với người lao động là người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại biểu cho biết, thực tiễn thời gian qua, nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội tại các địa phương phản ánh rất khó thu bảo hiểm xã hội của các đối tượng này. Đại biểu phân tích, những đối tượng này có thể xảy ra tình trạng sau thời gian 3 đến 5 năm đi lao động ở nước ngoài muốn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hưu trí và tử tuất phải đóng thêm 12 – 15 năm nữa nếu không muốn bị mất số tiền đã đóng. Do đó, cần có cơ chế vận dụng linh hoạt về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nước trong trường hợp thu nhập không ổn định và liên tục, bảo đảm thu đúng, thu đủ nhưng cũng đáp ứng được quyền lợi cho người lao động.
9h01: Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Cần bổ sung lựa chọn về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai cho người lao động
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi tán thành và thống nhất với đa số các nội dung của dự thảo Luật, đánh giá cao sự tiếp thu đối với những vấn đề mà ĐBQH đặt ra, góp ý tại kỳ họp thứ 6 và tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu góp ý một số nội dung:
Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết, tại Điều 53 khoản 1 quy định: “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 05 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 02 ngày cho 01 lần khám thai”.
Thực tế qua tiếp xúc cử tri là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, có nhiều ý kiến đối với nội dung này khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sỹ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày. Tuy nhiên theo quy định hiện hành và dự thảo Luật quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần. Nếu thai phát triển trong điều kiện bình thường, còn nếu thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày,… phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi. Như vậy thời gian quy định như dự thảo Luật và Luật hiện hành chỉ được nghỉ không quá 5 lần là quá thấp đối với những trường hợp thai phát triển không bình thường. Để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt cho phụ nữ lao động đang mang thai yên tâm làm việc, đại biểu đề nghị cũng cần nên xem xét, quy định lựa chọn có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9 – 10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt.
Về Bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu đề xuất lựa chọn Phương án 1, tức là «Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, Phương án 1 để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án này quá trình lấy ý kiến cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đây là phương án an toàn hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp.
Về lâu dài, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế – xã hội, lao động – việc làm. Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật, … để vượt qua khó khăn trước mắt.
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại; khởi kiện đối với quyết định, hành vi về BHXH của cơ quan BHXH, Tại điểm b, Khoản 3 dự thảo Luật quy định: “Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp trên có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp dưới trực tiếp đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết”.
Đại biểu đề nghị nên tiếp tục kế thừa quy định về trình tự giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về BHXH tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 119 Luật BHXH năm 2014 sẽ phù hợp với thực tiễn hơn, tức là giao cơ quan quản lý nhà nước về lao động (Ủy ban nhân dân các cấp) giải quyết khiếu nại lần 2 sẽ khách quan, thuyết phục hơn.
Về Tố cáo, giải quyết tố cáo về BHXH (Điều 132), tại Khoản 2 Điều 132 dự thảo Luật quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trước năm 1995 thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết trên cơ sở tham mưu của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh”.
Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “trên cơ sở tham mưu của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh” vì chưa phù hợp và cho rằng về nguyên tắc xây dựng Luật, Luật chuyên ngành chỉ cần quy định thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết tố cáo.
8h54: Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động
Đại biểu Trần Khánh Thu đánh giá nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Dự án Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 Chương và 147 Điều, tăng 11 điều mới và chỉnh lý ở hầu hết các điều.
Về điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu cho rằng, hai phương án được đưa ra trong Dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao. Trong đó Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn.
Để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua. Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội; hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai khi về già trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế – xã hội, lao động – việc làm. Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật, … để vượt qua khó khăn trước mắt.
8h47: Đại biểu Trần Kim Yến – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đại biểu Trần Thị Kim Yến quan tâm đến quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động nhưng có nội dung thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện bằng việc làm có trả công, tiền lương và có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, quy định tại a khoản 1 của Điều 3 của dự thảo luật.
Theo đại biểu, nếu đánh giá về bản chất là phù hợp với quy định về hợp đồng lao động được quy định tại Bộ Luật Lao động (Điều 13) tuy nhiên xét về hình thức, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản đối với loại hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng trở lên và đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định của Bộ Luật Lao động. Vì vậy, nếu đã xác định là tồn tại quan hệ lao động và hai bên chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động, phải có sự điều chỉnh kịp thời. Việc thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm cần phải được xác định và căn cứ trên hợp đồng lao động hợp pháp. Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát mới có thể thực hiện tốt.
Nhiều ý kiến đánh giá, quy định này sẽ mở đường và gián tiếp thừa nhận các loại hình hợp đồng có tên gọi khác này, tuy nhiên trên thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng cách này để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động. Vì vậy, nếu phát hiện ra loại hình hợp đồng lao động này cần thiết phải điều chỉnh về hình thức và nội dung, từ đó sẽ xác định rõ nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm.
Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu đánh giá bổ sung một đối tượng cần được mở rộng trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đó là lao động không chọn thời gian, ví dụ như là lao động xe công nghệ. Nếu chiếu theo điều 13 của Bộ Luật Lao động, đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, nên cần bổ sung đây là đối tượng cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết 28.
Dự thảo luật cũng bổ sung tại điểm m khoản 1 của Điều 3 là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Đại biểu cho rằng, bản chất nhóm đối tượng này khác với người lao động làm công ăn lương. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang bảo hiểm xã hội bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đại biểu cũng đề xuất là bổ sung vào Điều 16 về quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội, bởi trên thực tế cho thấy rằng là trong thời gian vừa qua khi tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ khởi kiện người sử dụng lao động vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội, việc tiếp cận thu thập chứng cứ, tiếp cận tài liệu dữ liệu liên quan đến bảo hiểm xã hội rất khó khăn.
Đại biểu đề xuất bổ sung các chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, bởi Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh; đồng thời bổ sung chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, tức là bổ sung vào nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đi khám và điều trị hiếm muộn…
8h42: Đại biểu Nguyễn Tri Thức – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số quy định của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Tri Thức cho biết, tại Điều 47 về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau có những từ ngữ vẫn chưa rõ ràng như: nghỉ 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa hồi phục, 07 ngày đối với người chưa hồi phục sau thời gian phẫu thuật,… Đại biểu Nguyễn Tri Thức đánh giá quy định này vẫn còn mơ hồ, nên để cho các nhà chuyên môn có quyết định theo từng trường hợp cụ thể.
Tại Điều 53, đối với việc khám thai, Đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng nên chia ra thành 02 nhóm là thai bình thường và thai bệnh lý và tại Điều 54, chưa có cơ sở phân chia tuổi thai. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại 02 Điều này.
Cuối cùng tại mục 1, khoản c, Điều 74 quy định đối tượng được rút bảo hiểm xã hội một lần là người đang mắc một trong những bệnh: ung thư, bại liệt, sơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS. Đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị bỏ khoản này vì có một số bệnh có thể điều trị được dứt điểm và người lao động có thể quay lại lao động bình thường. Đại biểu Nguyễn Tri Thức cũng cho biết, những khái niệm trên chưa cập nhật kiến thức y khoa, nếu đưa vào Luật là không phù hợp. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị bỏ khoản này và đối với từng trường hợp nên xác định khả năng lao động và khả năng lao động do Hội đồng giám định y khoa xác định.
8h37: Đại biểu Trần Thị Thu Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Làm rõ những tác động, ảnh hưởng của các chính sách mới
Đại biểu Trần Thị Thu Phước bày tỏ thống nhất cao với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được đã tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời cho rằng dự thảo Luật trình tại Kỳ họp lần này đã đảm bảo đáp ứng cả về cơ sở lý luận và thực tiễn. Theo đại biểu, điều này có ý nghĩa to lớn trong điều kiện nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới đang gặp nhiều khó khăn do những hậu quả của dịch bệnh Covid- 19 cũng như những xung đột chính trị thế giới tác động rất lớn đến thu nhập, việc làm của người lao động…
Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, cần phải làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động, ảnh hưởng của những chính sách mới được đưa ra trong dự thảo Luật, đồng thời phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẻ chia những khó khăn, nguyện vọng của người lao động. “Vì đối với họ, chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành sẽ quyết định đến cả vấn đề an sinh của cả cuộc đời.”, đại biểu Phước nói.
8h31: Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp
Đề cập về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật, đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, khoản i và khoản n của Điều 3 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm người quản lý doanh nghiệp. Theo Khoản 24, Điều 4 Luật Doanh nghiệp sửa đổi thì người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty. Còn theo khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có quy định: Người quản lý doanh nghiệp bao gồm Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng.
Như vậy, cùng một thuật ngữ người quản lý doanh nghiệp nhưng tại hai luật trên đã có cách giải thích khác nhau. Để thống nhất cách hiểu và tránh việc áp dụng tùy tiện trong thực tế, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ đối với thuật ngữ “người quản lý doanh nghiệp” để áp dụng trong phạm vi của Luật này.
Thứ hai, về giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 năm quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật, đại biểu Vương Thị Hương khẳng định: Chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển, tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như quy định tại Khoản 5, Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đây là điều mà nhiều người lao động đang rất băn khoăn và lo ngại có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống.
8h24: Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, tại khoản 5 Điều 7, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “tự nguyện” nhằm đạt được mục tiêu bao phủ đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết 28 của Trung ương, Ngân sách Nhà nước cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện tùy vào khả năng cân đối ngân sách của từng thời kỳ. Vấn đề này, pháp luật về bảo hiểm y tế cũng đã có giải pháp từ những năm trước và đạt được tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế kỳ vọng.
Tại khoản 2 Điều 43, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị quy định thêm thời gian nghỉ chăm sóc con ốm đau, với trường hợp con dưới 16 tuổi hoặc quy định người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 và khoản 2 Điều 44 Luật này.
Tại điểm b khoản 1 Điều 48 quy định “trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu có bản tóm tắt hồ sơ bệnh án”, đại biểu đề nghị thay bằng “bản chứng hoặc bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh quá trình điều trị nội trú hoặc bán trú, hoặc các giấy tờ ghi rõ ngày nhập viện”. Đồng thời đề nghị cân nhắc quy định như cũ, thay bằng “bản sao giấy báo từ” để thuận lợi cho quá trình chứng minh.
Tại khoản 1 Điều 53, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị nghiên cứu tăng số lần đi khám thai tối thiểu là 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
8h19: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 6. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, các nhà khoa học để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là dự án luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội hóa cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rất rộng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều cuộc họp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để cho ý kiến hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội. Cho đến nay, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu tối đa, giải trình cụ thể ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan tổ chức có liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về những vấn đề trọng tâm báo cáo đã nêu và những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
8h01: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Báo cáo tại Phiên họp về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:
+ Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:
Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.
Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
+ Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua” – Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về giao dịch điện tử trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội.
Về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi bổ sung chế tài tạm hoãn xuất cảnh quy định theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cơ chế “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Về đối tượng chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tại khoản 1 của Điều 3 theo hướng “Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh”.
Về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện tương tự như việc giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước; bổ sung và thể hiện tại khoản 2 Điều 132 việc giải quyết tố cáo đối với thời gian trước năm 1995 do cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết.
Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần và Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu. Do đó, cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương và cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, để bảo đảm mức trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với từng thời kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý đã bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 21 theo hướng: “Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội báo cáo Quốc hội khi trình Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm”.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 147 điều (tăng 1 chương và tăng 11 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình) cùng 15 điểm mới.
8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Điều hành nội dung phiên họp ngày 27/05, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo chương trình làm việc, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)