DNVN – Việt Nam có thể tăng suất lao động nhiều hơn nữa nếu từng doanh nghiệp, từng người lao động luôn nỗ lực hằng ngày.
Trong đó, việc thường xuyên học hỏi, trau dồi kỹ năng, tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ được coi là cần thiết.
Năng suất lao động của Việt Nam khá thấp
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năng suất (NSLĐ) của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua PPP là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 79% so với Indonesia…
Tại diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” ngày 26/5 tại Hà Nội, TS Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nếu nhìn con số này thì NSLĐ của Việt Nam thấp. Lý do là cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022.
Mặc dù vậy, số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế. Trong đó, khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP.
GDP của Việt Nam năm 2022 theo ngang giá sức mua PPP bằng đồng USD 2017 là 1.321.694,15 triệu USD. Như vậy, với việc tạo ra 60% GDP NSLĐ của các lao động trong doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra là 53.582 USD/lao động. Như vậy sẽ bằng 30% so với lao động của Singapore làm việc tại doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước.
TS Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: VGP)
“Với con số này thì NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bằng khoảng 30% NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore. Mặc dù vậy, NSLĐ của Việt Nam khá là thấp.
Vì vậy, một trong những việc chúng ta cần làm để tăng NSLĐ trên góc nhìn vĩ mô thì cần phải đẩy nhanh phát triển nhiều hơn nữa hệ thống doanh nghiệp nhiều hơn mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, mục tiêu quan trọng để thúc đẩy NSLĐ”, ông Tú Anh nêu.
Giải pháp nào tăng năng suất lao động?
Từ thực tế công việc của một người lao động trực tiếp, chị Phùng Thị Hạnh – công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội – Tổng Công ty May 10 cho rằng, NSLĐ trong nước còn có thể nâng cao nhiều hơn nữa, nếu từng doanh nghiệp, từng người lao động luôn nỗ lực hằng ngày. Mỗi công nhân, dù làm những công việc rất bình thường, nhưng phải có mục tiêu, khát vọng và cả lòng tự trọng.
Phải thường xuyên học hỏi, trau dồi kỹ năng, tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ, hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay. Chỉ khi có nâng cao năng suất, chúng ta mới có cơ hội nâng cao thu nhập, giảm thời giờ làm việc để chăm sóc gia đình, con cái và tái tạo sức lao động.
Đại diện cho công nhân dệt may, chị Hạnh đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ công tác đào tạo cho các doanh nghiệp sử dụng đông lao động, đặc biệt là lao động mới.
Đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ có các chính sách để nhân rộng mô hình doanh nghiệp có trường mầm non, trung tâm y tế, trường nghề như May 10 cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.
Anh Mai Thiên Ân – đoàn viên công đoàn cơ sở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, có trụ trở tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu đòi hỏi người lao động phải có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và ý thức lao động tốt. Người lao động muốn nâng cao thu nhập cho bản thân phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt.
Anh Mai Thiên Ân – đoàn viên công đoàn cơ sở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam. (Ảnh: VGP)
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người lao động, đặc biệt là anh chị em công nhân, chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu.
Anh Ân đề xuất, kiến nghị có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ từ sớm để trở thành “thói quen, nếp nghĩ, nếp làm” khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xem xét định hướng ở các cấp bậc phù hợp.
Có quy chế tài chính cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong việc đầu tư, chi tiêu cho các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
Trong khi đó, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phong trào thi đua trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Công đoàn các KCN Hà Nội đề nghị duy trì và mở rộng hội thi thợ giỏi ở các tỉnh, thành phố nơi có đông công nhân với sự tham gia của chính quyền và người sử dụng lao động. Các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư hơn nữa về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức các hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bà Trương Thị Thu Hà, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: VGP)
Bà Trương Thị Thu Hà, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị Bộ KH&CN xem xét, có thông tư hướng dẫn chi tiết về việc chi trả thù lao cho tác giả, đồng tác giả của sáng kiến cải tiến được công nhận. Đây là sự ghi nhận, tạo động lực rất lớn cho người lao động đam mê nghiên cứu khoa học.
Cho rằng, chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao NSLĐ, TS Phạm Thu Lan, Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất.
Tăng độ bao phủ BHXH đến năm 2030 đạt 60% như kế hoạch tổ chức công đoàn đề ra, đáp ứng mong mỏi của người lao động.
Ngoài ra, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội đi kèm với cơ sở hạ tầng về trường học, bệnh viện và các tiện tích cơ bản khác để người lao động thu nhập thấp đạt được ước mơ sở hữu căn nhà riêng của mình trong những năm tới.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/lam-chu-khoa-hoc-cong-nghe-de-tang-nang-suat-lao-dong/20240526045938382