(Dân trí) – Mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ, làng Tiên Hòa (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) được xem là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Thanh Hóa.
Làng Tiên Hòa, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa trước đây có tên nôm là Kẻ Khao, Khao Rú, Tiên Cảo. Khoảng giữa thế kỷ XVII, làng được tách thành 2 thôn. Tiên Hòa được xem là “đất lành, chim đậu”, từ xa xưa đã có nhiều dòng họ đến đây khai hoang lập nghiệp. Hiện nay, ở Tiên Hòa có trên 35 dòng họ cùng nhau sinh sống.
Một bộ phận dân cư tập trung xung quanh chân núi Mã Lim để tránh lụt lội về mùa mưa, nên gọi là Tiên Hòa Sơn thôn (hay Khao Rú); số còn lại ở lại sống tại Tiên Hòa Bái thôn (còn gọi là Khao Đồng). Cũng từ đây, Tiên Hòa trở thành một làng hai thôn (Ảnh: Xuân Lục).
Dân cư làng Tiên Hòa từ xa xưa đã lấy núi, đồi như điểm tựa để quần cư từ thấp lên cao với cấu trúc dân cư kiểu ngõ hạng (ngõ đi tắt) theo bậc.
Ngõ hạng không chỉ là dấu tích lịch sử mà còn là sản phẩm văn hóa của quá trình dài phát triển ở làng cổ Tiên Hòa với 12 ngõ hạng mang tên riêng, như: Mã, Cổng, Thượng, Cửa, Cụt, Hát, Trung, Đình, Chùa, Trôi, Nghè và ngõ Giếng Đào.
Kiến trúc ngõ hạng độc đáo ở làng cổ Tiên Hòa được tạo tác bởi bậc thềm đá chắc chắn (Ảnh: Xuân Lục – Quách Tuấn).
Cùng với ngõ hạng, giếng làng với làn nước trong vắt, mát lành là một trong những nét đẹp văn hóa đặc biệt được người dân Tiên Hòa vô cùng coi trọng, giữ gìn và duy trì sử dụng (Ảnh: Quách Tuấn).
Những bức tường được xây bằng gạch nung, đá, qua thời gian đã phủ đầy rêu phong và đình làng cổ kính hàng trăm năm tuổi… là những dấu tích lịch sử, nét văn hóa đặc trưng của làng cổ Tiên Hòa ngày nay (Ảnh: Quách Tuấn).
Tại dải đất cao ở cánh đồng Bọc, làng Tiên Hòa, trong đợt khai quật năm 2013, các nhà khoa học đã phát hiện di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa thuộc nền Văn hóa Đa Bút, với những dấu tích của người nguyên thủy trong quá trình di cư từ miền núi xuống đồng bằng.
Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã phát hiện 146 di cốt người tiền sử, trong đó có cụm mộ cổ gồm 3 cá thể được chôn cùng tại một thời điểm trong tư thế mai táng ngồi co bó gối. Trong đó có 2 di cốt là người lớn (1 nam, 1 nữ, khoảng 50-60 tuổi) và 1 trẻ em (vài tháng tuổi), có niên đại khoảng 5.000-6.000 năm. Hiện cụm mộ cổ và hàng nghìn công cụ lao động bằng đá được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Tại Cồn Cổ Ngựa, các nhà khoa học đã tìm thấy số lượng lớn rìu, đục, dao được chế tác từ đá phiến hình trăng khuyết, chày nghiền, bàn nghiền, hòn kê, hòn ghè được đẽo gọt của người nguyên thủy. Ngoài ra, còn có sự tồn tại của nhiều vỏ nhuyễn thể như vỏ hến, sò gai… (Ảnh: Quách Tuấn).
Ông Vũ Thanh Tùng, Công chức văn hóa xã Hà Lĩnh, cho biết: “Tại thôn gốc của làng Tiên Hòa hiện có khoảng 60-70 hộ gia đình còn giữ được những nét văn hóa truyền thống.
Vào dịp giáp Tết, UBND xã Hà Lĩnh thường xuyên phối hợp với các câu lạc bộ nhiếp ảnh phục dựng khung cảnh Tết xưa, nhà cổ tại làng Tiên Hòa, nhằm giúp mọi người có thể hình dung đầy đủ, trọn vẹn về Tết truyền thống của người dân Việt và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc…” (Ảnh: UBND xã Hà Lĩnh).
Chùa Cao Hà Lĩnh nằm trên đỉnh núi Mã Lim, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (Ảnh: Xuân Lục).
Quách Tuấn – Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/ngoi-lang-dac-biet-o-thanh-hoa-noi-phat-hien-cum-mo-co-3-nguoi-chon-chung-20240524234413776.htm