Hành tinh có tên Gliese 12b, xoay quanh một sao lùn đỏ ở chòm Song Ngư với kích thước khoảng 27% mặt trời của chúng ta và nhiệt độ khoảng 60%, theo hai báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters và Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Do sao trung tâm khá nhỏ so với mặt trời, hành tinh Gliese 12b vẫn nằm trong khoảng cách cho phép nước dạng lỏng tồn tại trên bề mặt hành tinh dù quỹ đạo của nó chỉ vỏn vẹn 12,8 ngày. Hay nói cách khác, Gliese 12b có thể là hành tinh tiềm năng có sự sống.
Các nhà khoa học tính toán được nhiệt độ bề mặt hành tinh khoảng 42 độ C.
“Chúng tôi tìm ra một thế giới có kích cỡ trái đất ở khoảng cách gần chúng ta nhất tính đến thời điểm này và với nhiệt độ ôn hòa”, theo giáo sư Masayuki Kuzuhara của Trung tâm Sinh học Vũ trụ ở Tokyo (Nhật Bản) và là đồng tác giả một trong hai báo cáo.
Một khi phát hiện các hành tinh có nhiệt độ ôn hòa, các nhà khoa học có thể phân tích đối tượng để xác định các yếu tố bên trong khí quyển, và quan trọng hơn hết là liệu nước có hiện diện trên hành tinh để cho phép sự sống tồn tại.
“Đến nay chỉ có vài hành tinh ngoài trái đất là ứng viên phù hợp để có nước dưới dạng lỏng. Và Gliese 12b là hành tinh gần nhất nên đó thật sự là một phát hiện quan trọng”, Đài CNN dẫn lời đồng tác giả báo cáo thứ hai Larissa Palethorpe, nghiên cứu sinh của Đại học Edinburgh và Đại học London (Anh).
Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu được công bố đến từ dự án của kính viễn vọng TESS thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Trong giai đoạn phân tích kế tiếp, đội ngũ chuyên gia hy vọng sẽ nhờ vào kính James Webb để thực hiện cuộc phân tích quang phổ nhằm xác định cấu tạo của khí quyển hành tinh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/phat-hien-hanh-tinh-co-nhiet-do-tuong-tu-trai-dat-185240526092352986.htm