Để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập (Phú Thọ) sinh kế giảm nghèo, Hội LHPN xã Lương Sơn đã thành lập mô hình sản phẩm may mặc. Mô hình đã giúp hàng trăm phụ nữ thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng.
Tổ may liên kết Thúy Quang được chị Phùng Thị Hồng Thuý, dân tộc Mường ở xóm Xuân Hương, đứng ra thành lập cách đây 4 năm. Mỗi năm, Tổ tạo việc làm cho từ 10-13 lao động, chủ yếu là chị em phụ nữ có con nhỏ, không đi làm xa được. Trong đó, chị em người dân tộc thiểu số chiếm tới 2/3 lao động của Tổ.
Theo chị Thúy, Tổ sản xuất sản phẩm may chuyên quần áo mặc nhà, áo khoác, áo chống nắng, áo gió… Mùa hè, khi học sinh nghỉ học thì chị em có thể đi làm được đông đủ hơn và nhiều thời gian hơn nên thu nhập cũng cao hơn. Trung bình tiền công từ 5-10 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu nhập khá tốt đối với chị em tại địa phương.
Để các chị thạo nghề, đích thân chị Thúy đứng ra đào tạo miễn phí. Mỗi khóa đào tạo cũng mất từ 2-3 tháng, chị bỏ toàn bộ chi phí cho chị em học tập, thực hành cho đến khi gia công được sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Thời gian đầu, chị Thúy đã cất công đi tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay, đầu ra tương đối ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều chị em. Chị Thúy tự hào cho biết, 4 năm làm sản phẩm cung cấp tới khách hàng ở Hà Nội, chưa lần nào chị bị trả lại hàng. Đó là nhờ sự chỉn chu trong công tác đào tạo và tay nghề may của chị em trong Tổ.
“Ngoài làm may, chị em vẫn còn công việc làm vườn, chăn nuôi. Mọi người rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc nên hoạt động của Tổ may liên kết khá thuận lợi”, chị Thúy chia sẻ.
Cũng như Tổ may liên kết Thúy Quang, Tổ may liên kết Thảo Nghĩa cũng tạo việc làm cho hơn 30 lao động, chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mường, Dao. Tổ có thâm niên phát triển đã 8 năm và là mô hình kinh tế ổn định giúp nhiều phụ nữ có thêm thu nhập.
Chị Hoàng Thị Hương Thảo, Quản lý Tổ may liên kết Thảo Nghĩa, khu Tân Lập, cho biết, hiện tổ có khoảng 30 lao động, thu nhập từ 6-8 triệu đồng. Không chỉ trả tiền lương, tiền công, Tổ còn hỗ trợ chế độ xăng xe, khuyến khích thưởng chuyên cần cho chị em nếu đi làm thường xuyên. Tuy mức thu nhập không giúp chị em làm giàu nhưng ổn định để trang trải cuộc sống, chăm lo cho gia đình.
Theo chị Thảo, ban đầu, Tổ may chủ yếu làm hàng gia công cho các đầu mối, còn giờ đây đã thực hiện gia công hàng xuất khẩu. Đó là thuận lợi lớn, động viên chị em gắn bó với Tổ và có ý thức nâng cao kỹ năng, tay nghề.
“Tôi hy vọng trong những năm tới sẽ có nhiều đầu ra cho sản phẩm để ngày càng có nhiều chị em có việc làm, có thu nhập khá hơn”, chị Thảo chia sẻ.
Bà Hà Thị Hồng Hạ, Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Sơn, cho biết, mô hình Tổ may liên kết là một trong những điển hình về làm kinh tế của địa phương, giúp nhiều chị em có việc làm ổn định. Hội LHPN xã Lương Sơn đã có những hỗ trợ thiết thực cho các Tổ may trong quá trình kinh doanh như tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng chính sách và Quỹ TYM. Trong thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, vốn sản xuất kinh doanh… để các Tổ mở rộng thêm nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc, gia tăng lượng hàng hóa.
Đồng thời cử các tổ viên tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực do Hội LHPN cấp trên tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong quá trình quản lý, kết nối giao thương, tìm đầu ra cho sản phẩm may mặc ở xã.
Gắn với phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, Hội LHPN xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, đã thành lập các mô hình phù hợp, thiết thực để giúp chị em làm kinh tế. Qua đó, có nhiều chị em năng động, sáng tạo đầu tư vào các mô hình thiết thực có hiệu quả, mang lại kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/to-may-lien-ket-giup-phu-nu-dan-toc-thieu-so-on-dinh-kinh-te-20240518153239543.htm