TP.HCM Mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng tại trường Đại học Nông Lâm TP.HCM sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ, bền vững và hướng đến bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng sản xuất theo hướng hữu cơ đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Vườn thực phẩm cộng đồng không chỉ thích hợp phát triển tại các đô thị lớn mà còn ở các vùng nông thôn. Những vườn rau này sẽ được cộng đồng quản lý và chia sẻ đến những nơi cần hỗ trợ như những người có hoàn cảnh khó khăn, khu vực thiên tai…
Để lan tỏa và hưởng ứng mô hình này, vừa qua, tổ chức phi lợi nhuận Food Bank Vietnam phối hợp cùng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã khánh thành mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng Nong Lam (Foodbank Garden) tại TP Thủ Đức. Mô hình này sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ và bền vững, hỗ trợ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Mô hình này cũng kết hợp giáo dục về nông nghiệp bền vững, dinh dưỡng, giúp nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về sản xuất hữu cơ và những lợi ích mang lại về môi trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Tất Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, việc hợp tác cùng Food Bank Việt Nam triển khai mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của Nhà trường.
Trên diện tích 1ha ban đầu, Vườn chú trọng trồng nhiều loại cây trồng để tăng cường sự đa dạng dinh dưỡng và lưu trữ đủ lượng thực phẩm để chuyển đến những nơi cần trong trường hợp cấp thiết. Vườn thực phẩm cộng đồng tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM sử dụng nguồn tài nguyên nước, đất và năng lượng có sẵn tại chỗ như một hệ sinh thái để giảm lãng phí và bảo vệ môi trường.
“Nhà trường sẽ triển khai đồng thời các lớp tập huấn, đào tạo, trải nghiệm để giúp mọi người chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ bền vững”, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn nhấn mạnh.
Nong Lam Foodbank Garden là một dự án phi lợi nhuận. Mô hình này hỗ trợ, cung cấp quy trình sản xuất, xử lý rác thải hữu cơ, chăm sóc, thu hoạch và cuối cùng là vận chuyển đến nơi tiêu thụ một cách minh bạch.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi – Chủ tịch Food Bank Việt Nam cho biết, mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng hướng đến phát triền bền vững và cân bằng lương thực tại Việt Nam. Mô hình áp dụng các phương pháp khoa học vào nông nghiệp giúp giảm sử dụng hóa chất độc hại. Cụ thể, như Food Bank Việt Nam phối hợp cùng chuỗi các cửa hàng cà phê lớn trên địa bàn TP.HCM thu gom những bã trà, bã cà phê, các thực phẩm hữu cơ để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây trồng, vật nuôi.
“Áp dụng các phương pháp khoa học vào nông nghiệp hữu cơ giúp giảm sử dụng hóa chất độc hại không chỉ là xu thế của Việt Nam mà còn là xu hướng chung của thế giới. Từ những mô hình này, chúng tôi sẽ phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM ứng dụng, thực tiễn hóa. Khi đã đạt được thành công, sẽ nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để phổ biến đến với bà con nông dân nhằm lan tỏa, thúc đẩy sản xuất xanh, sạch theo hướng hữu cơ, bền vững”, ông Khởi nhấn mạnh.
Ông Khởi cho biết thêm, hiện tại Starbucks Vietnam đang là đơn vị tiên phong tham gia hoạt động quyên góp bã trà, bã cà phê, bánh ngọt không còn sử dụng được từ chuỗi các cửa hàng của họ cho hoạt động này.
Mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng là một trong những hoạt động nổi bật về chuyển đổi xanh. Những sản phẩm được chăm sóc và thu hoạch từ mô hình sẽ được đội ngũ dự án phân loại nhằm gây quỹ cho những hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong mạng lưới Food Bank Việt Nam.
Không chỉ khánh thành Foodbank Garden, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM và Food Bank Vietnam cũng đã ký kết hợp tác chương trình phát triển nông nghiệp và thực phẩm theo định hướng xanh, bền vững. Biên bản thỏa thuận hợp tác bao gồm các hợp phần như: Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp nâng cao công nghệ trong nông nghiệp; hợp tác đào tạo và giáo dục thúc đẩy sáng kiến xanh, bền vững; ươm tạo, phát triển các sản phẩm nông nghiệp xanh; phát triển các mô hình xanh trong Trường, vườn xanh cộng đồng.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/lan-toa-san-xuat-huu-co-tu-mo-hinh-vuon-thuc-pham-cong-dong-d386508.html