RT dẫn lời Thượng nghị sĩ Nga Dmitry Rogozin cho biết, Mỹ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào thành phần quan trọng trong “chiếc ô hạt nhân” của Nga, đồng thời cảnh báo những cuộc tấn công như vậy có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu.
Cũng theo Thượng nghĩ sĩ Rogozin, đầu tuần này, Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công vào hệ thống cảnh báo sớm hạt nhân ở thành phố Armavir, phía nam Vùng Krasnodar, nằm cách chiến tuyến gần 500 km. Đây cũng là cuộc tấn công đầu tiên của Kiev vào một cơ sơ quân sự có liên quan đến hệ thống phòng thủ chiến lược Nga.
Trung tâm cảnh báo sớm hạt nhân ở Krasnodar hiện được trang bị hệ thống radar cảnh báo sớm đường chân trời Voronezh-DM, cho phép giám sát không gian vũ trụ để phát hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, cũng như theo dõi máy bay.
Hệ thống này có thể phát hiện tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đang bay tới ở cự ly 6.000 km và có thể theo dõi tới 500 mục tiêu.
Trong lễ khánh thành hệ thống này vào năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của đất nước ở các hướng phía Nam và Tây Nam.
Mạng lưới cảnh giới hoàn chỉnh gồm 10 radar Voronezh-M/DM được Nga hoàn thiện hồi năm 2017, giúp trám lỗ hổng radar ở vùng tây bắc, tây nam, nam và đông nam nước này, điều ngay cả Liên Xô cũng chưa làm được.
Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa ra đưa bất cứ bình luận nào về thông tin này.
Ông Rogozin cho rằng rất khó có khả năng cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào trạm radar ở Krasnodar do một mình Kiev lên kế hoạch và chắc chắn có sự tham gia của Mỹ.
Nhà lập pháp Nga nhận định, Washington luôn tìm cách đạt được ưu thế quân sự trước Moskva kể từ khi vũ khí hạt nhân xuất hiện, nhưng sự cạnh tranh này chủ yếu chỉ giới hạn ở cuộc đấu trí giữa các nhà khoa học, chiến lược gia và nhà hoạch định chính sách.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng một cơ sở trong mạng lưới phòng thủ chiến lược của Nga bị tấn công có thể khiến xung đột leo thang đáng kể, thậm chí đặt ra nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Thiệt hại với đài Voronezh-DM ở Armavir, ngay cả trong thời gian ngắn, cũng ảnh hưởng đáng kể tới mạng lưới cảnh báo sớm chiến lược của Nga, khiến nước này mất một phần năng lực phát hiện mối đe dọa từ tên lửa hạt nhân và suy giảm khả năng loại bỏ báo động giả.
Cuộc tập kích trận địa Armavir cũng đáp ứng các điều kiện về kích hoạt đòn trả đũa hạt nhân trong học thuyết được chính phủ Nga công bố năm 2020, trong đó có “bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào địa điểm thiết yếu với quân đội và chính phủ Nga, gây gián đoạn khả năng phản ứng của lực lượng hạt nhân”.
Chưa rõ Moskva sẽ phản ứng thế nào sau vụ tập kích trận địa Armavir, cũng như liệu đây có phải khởi đầu chiến dịch của Ukraine nhằm vào các cơ sở quân sự chiến lược Nga ít liên quan đến chiến sự hay không.
Nguồn: https://vtcnews.vn/ukraine-tan-cong-trung-tam-canh-bao-hat-nhan-cua-nga-o-krasnodar-ar873415.html