Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Việc ban hành văn bản còn chậm
Phát biểu thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cơ bản nhất trí cho rằng, việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Nghị quyết cho phép sử dụng một nguồn lực rất lớn với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, quá trình triển khai Nghị quyết số 43 cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết, trong đó đáng chú ý là việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn Thái Bình dẫn chứng, chính sách tiền thuê nhà cho người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm, Quyết định số 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/3/2022 quy định được triển khai thực hiện chính sách đến hết ngày 15/8/2022, chỉ có 4,5 tháng để triển khai thực hiện là rất gấp gáp và nhiều khó khăn. Trong khi đó, có địa phương, đối tượng thụ hưởng chính sách này lên tới hàng 100.000 người, cần có thời gian tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải quyết, do đó còn nhiều người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng nhưng hết thời gian thực hiện chính sách nên không được hưởng.
Cùng với đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, có địa phương ban hành thêm điều kiện được hưởng, thêm danh mục hồ sơ đề nghị hưởng chính sách làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người lao động và tạo tâm lý cho họ không muốn làm thủ tục đề nghị hưởng chính sách.
Một vấn đề khác, tình trạng văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ ràng, chưa thống nhất, dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, theo Phụ lục số 1 tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện nghị quyết, trong số 21 văn bản quy phạm pháp luật chỉ có 7 văn bản được ban hành và bảo đảm tiến độ, còn lại 14 văn bản chậm tiến độ theo yêu cầu, trong đó có những văn bản ban hành chậm đến 7 tháng theo yêu cầu kế hoạch đề ra, như thông tư hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học – công nghệ của doanh nghiệp, thông tư về danh mục chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025…
Cũng liên quan đến việc ban hành chính sách, đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn Cao Bằng cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43 là phù hợp với thực tế trong bối cảnh đặc biệt và có những tác động rất tích cực, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19, từng bước kiểm soát và kết thúc dịch COVID-19, đưa đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng.
Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ và tạo sự thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, đại biểu đề nghị Chính phủ, và các bộ, ngành, trung ương khi ban hành chính sách cần đảm bảo tính rõ ràng, khả thi, tránh sự chồng chéo dẫn đến việc nhiều bộ, ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến hướng dẫn hoặc gây thêm chi phí về thời gian, tài chính không cần thiết cho doanh nghiệp.
Đại biểu Bế Minh Đức dẫn chứng, triển khai Nghị định số 31/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, khi xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề gây khó khăn cho việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất.
“Về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất quy định “khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi” theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại còn chung chung, mang tính chất chủ quan từ phía thẩm định của ngân hàng và những hạn chế này đã được báo cáo giám sát khẳng định tại trang số 27. Đây là những nội dung cần đánh giá kỹ, rút kinh nghiệm trong nghiên cứu dự báo, đề xuất chính sách và tổ chức thực hiện chính sách”, đại biểu Bế Minh Đức nhấn mạnh.
Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn TP. Hà Nội nhấn mạnh rằng cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của chính sách cũng là một trong những bài học lớn rút ra từ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 43. Đại biểu cho rằng, bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý, cũng có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống, như chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại, chính sách hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển du lịch hay việc sử dụng Quỹ Viễn thông công ích.
“Nếu có thể làm lại, cá nhân tôi cho rằng rất cần có trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta không cần nhiều chính sách nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Cải thiện quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách
Tham gia phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cảm ơn các ý kiến thẳng thắn, xác đáng của các đại biểu Quốc hội, những ý kiến này sẽ là những bài học quý cho quá trình xây dựng và thực hiện chính sách sau này. Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết số 43 được xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ổn định được đời sống, phục hồi dần kinh tế xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian xây dựng và thực hiện chương trình là rất ngắn, chương trình có quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tổ chức, đối tượng; tuy nhiên, kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế, việc phối hợp thực hiện một số dự án còn chưa tốt, nảy sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ở một số cán bộ, đây là nguyên nhân khiến một số kết quả đạt được không như kỳ vọng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các Bộ ngành đã hết sức tích cực, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, thành lập nhiều tổ công tác, đoàn công tác để đốc thúc triển khai. Tất cả các thành viên Chính phủ đều đã xuống nhiều địa phương để giải quyết những ách tắc, vướng mắc của từng dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, cải thiện quy trình, xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách để các chính sách nhanh chóng được đưa vào cuộc sống.
Từ quá trình tổ chức, triển khai Nghị quyết 43, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý giá. Trong đó có bài học về việc lựa chọn phương thức hỗ trợ. Ở các nước, việc hỗ trợ được thực hiện bằng cách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt đến cho người dân, giúp đưa nguồn lực ngay vào nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng. Còn chúng ta đang thực hiện hỗ trợ thông qua các chính sách, do đó cần có các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy trình thủ tục theo quy định. Khi xong các bước này thì gói hỗ trợ có khi không còn thời sự nữa, hiệu quả đã giảm đi. Việc chậm ban hành các văn bản như các đại biểu phân tích ở trên là do phương thức thực hiện hỗ trợ của chúng ta quyết định.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau gần 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đã có 29 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các ý kiến tập trung phân tích kết quả được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết; đóng góp nhiều giải pháp để đảm bảo kết quả hiệu quả hơn khi ban hành chính sách trong tình hình khẩn cấp, cấp bách hoặc khi có những biến động bất ngờ về kinh tế – xã hội do các yếu tố khách quan. Ý kiến của đại biểu Quốc hội được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát, trình Quốc hội thông qua.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/nghi-quyet-so-43-viec-xay-dung-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-con-cham-374634.html