Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có thông báo về kết quả đấu thầu vàng miếng trong phiên sáng ngày 23/5.
Theo đó, có 11 thành viên đã trúng thầu 34 lô, tương đương với tổng khối lượng trúng thầu là 13.400 lượng vàng. Mức giá trúng thầu thấp nhất là 88,72 triệu đồng và mức giá trúng thầu cao nhất là 88,73 triệu đồng.
Trước đó, NHNN đã có văn bản thông báo về việc tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng SJC vào 9h30 sáng ngày 23/05/2024. Giá tham chiếu để tính giá đặt cọc là 88,9 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng so với phiên ngày 21/5 là 86,6 triệu đồng.
Các thông số còn lại tương tự các phiên trước đó, cụ thể, hối lượng vàng miếng của 1 lô giao dịch là 100 lượng. Tỉ lệ đặt cọc là 10%. Khối lượng tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 5 lô (tương đương 500 lượng).
Khối lượng tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (tương đương 4,000 lượng). Bước giá dự thầu là 10,000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).
Như vậy, đây đã là phiên đấu thầu thành công thứ 6 của NHNN, cung ứng ra thị trường tổng 49.400 lượng vàng miếng SJC.
Trong phiên gần nhất ngày 21/5, có 9 thành viên đã trúng thầu 79 lô, tương đương tổng khối lượng 7.900 lượng vàng. Mức giá trúng thầu thấp nhất và cao nhất đều là 89,42 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường, trước giờ đấu thầu, giá vàng các thương hiệu trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm mạnh. Trong đó, giá vàng SJC niêm yết mua vào-bán ra ở mức 87,8-89,8 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng so kết phiên trước đó. Chênh lệch mua vào-bán ra 2 triệu đồng/lượng.
Trong chương trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sáng 23/5, tại tổ 14, đại biểu Phạm Văn Hoà – Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng nhắc đến việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập. Theo ông Hoà, việc đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước chỉ là giải pháp tạm thời bởi giá vàng vẫn không giảm mà có xu hướng tăng.
Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cho hay, cần sớm bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước; sửa đổi bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh việc Nghị định 24 đã hết giá trị lịch sử. Theo đại biểu, cần hết sức thận trọng trong quản lý vàng, nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được và có thể quay lại tình trạng vàng hoá như trước đây.
“Việc Ngân hàng Nhà nước càng đấu thầu vàng càng lên chỉ là hiện tượng trong giai đoạn đầu. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng để tránh vàng hoá”, đại biểu Phạm Đức Ấn nói.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nhnn-cung-ung-ra-thi-truong-48500-luong-vang-qua-6-phien-dau-thau-a664925.html