Thỏa thuận lịch sử
Vào cuối năm 2019 khi bình luận về việc ký kết hợp đồng trung chuyển khí đốt của Nga, đại diện Nga và Ukraine đã không giấu được sự hài lòng. Người đứng đầu Tập đoàn năng lượng Gazprom, ông Alexey Miller, nói rằng “thỏa thuận lớn đã khôi phục sự cân bằng lợi ích của các bên”.
Trong khi Tổng thống Zelensky cho rằng, hệ thống vận chuyển khí đốt của đất nước giờ đây chắc chắn sẽ được nạp đầy, điều này sẽ làm tăng an ninh năng lượng và phúc lợi của người Ukraine.
Việc thống nhất các điều khoản của thỏa thuận là rất khó khăn và cuối cùng, thỏa thuận chỉ đạt được vào đêm ngày 31/12, tức là một ngày trước khi hợp đồng trước đó kết thúc.
Ukraine ký thỏa thuận về việc vận chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ nước này tới châu Âu vào năm 2019 và sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Ảnh: AP |
Vào thời điểm đó, Gazprom không bị ép buộc đàm phán với Ukraine, nhờ vào việc vận hành “các đường ống” – các tuyến đường thay thế đến thị trường châu Âu nhanh nhất có thể. Thứ nhất là “Dòng chảy phương Bắc-2” từ Nga tới Đức chạy dọc theo đáy biển Baltic. Thứ hai là “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” dọc đáy Biển Đen đến phần châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ và xa hơn dọc theo “Dòng chảy Balkan” qua Bulgaria và Serbia đến Hungary với triển vọng mở rộng sang Áo.
Với việc Gazprom đặt cược vào “các đường ống” tức là không có các yêu cầu mang tính bắt buộc đối với các thỏa thuận với Kiev. Trong tình huống này, tuyến đường Ukraine sẽ đóng vai trò là phương án dự phòng trong trường hợp có nhu cầu cấp thiết.
Ngoài ra, một kế hoạch phù hợp với Gazprom là cơ sở cho gói năng lượng thứ ba được Liên minh châu Âu thông qua vào năm 2009. Cải cách đó ngụ ý rằng không nên có hợp đồng dài hạn, thay vào đó nhà điều hành hệ thống khí đốt nên cung cấp cho mọi người mức giá minh bạch để yêu cầu bơm nhiên liệu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý hoặc trong một năm. Ukraine cuối cùng đã đưa hệ thống vận chuyển khí đốt của mình tuân thủ các quy tắc trên, nhưng điều này chỉ xảy ra vào năm 2020.
Ukraine “chốt” số phận thỏa thuận khí đốt?
Ở châu Âu, xu hướng dần dần từ bỏ nhiên liệu của Nga ngày càng trở nên rõ ràng. Vào hè năm 2021, Brussels đã công bố chương trình “Fit for 55”, với mục đích giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính ở các nước EU vào năm 2030, chủ yếu bằng cách giảm tiêu thụ nhiên liệu đốt. Chương trình này cũng bao gồm nhu cầu đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí đốt.
Điều này có nghĩa là nhu cầu về khí đốt của Nga ở châu Âu sẽ giảm đáng kể và cùng với đó, nhu cầu về năng lực vận chuyển quá cảnh của Gazprom cũng sẽ sụt giảm. Rõ ràng là về lâu dài, giá trị của Gazprom trên thị trường châu Âu sẽ suy giảm.
Sau đó, trong giai đoạn 2021-2022, Gazprom đã thử nghiệm chiến lược thị trường mới. Trước đó, điều quan trọng là công ty phải duy trì thị phần tại thị trường châu Âu nên đã tìm cách bán khối lượng khí đốt tối đa tại đây, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh – nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nhưng vào năm 2021, Gazprom bắt đầu chỉ thực hiện một cách cẩn thận các nghĩa vụ theo các hợp đồng dài hạn và không hơn thế nữa: họ không cung cấp bất kỳ loại khí đốt nào vượt quá khối lượng đã ký hợp đồng trên thị trường giao ngay.
Có một số cách giải thích cho hành vi phi thị trường này của Gazprom:
Thứ nhất, nhu cầu về khí đốt đã tăng lên ở Nga và do luật pháp yêu cầu bơm thêm nhiên liệu vào các kho lưu trữ dưới lòng đất của Nga, Moscow đã không còn khối lượng dư thừa để cung cấp cho châu Âu.
Thứ hai, Gazprom nhận ra rằng họ không mất gì cả: sự hạn chế về khối lượng cung ứng đã được bù đắp nhiều hơn bằng giá cả tăng cao.
Thứ ba, đây có thể là một “biện pháp cảnh cáo” đối với những người mua châu Âu, kích thích việc ủng hộ các hợp đồng dài hạn với mức giá công thức có thể dự đoán được. Ngoài ra, chúng ta có thể nói về việc chuẩn bị cho một cuộc chiến trong đó khí đốt dự kiến sẽ đóng vai trò chia rẽ giữa các nước châu Âu và Ukraine.
EU có thể sẽ nhận ít khí đốt của Nga hơn sau khi Ukraine ra tín hiệu nước này không có ý định gia hạn thỏa thuận khi hết hạn vào ngày 31/12/2024. Ảnh: Gazprom |
Cuộc chiến khí đốt không bắt đầu ngay sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm dần (điều này xảy ra từ tháng 5 đến tháng 9/2022).
Đầu tiên, nguồn cung cấp qua Belarus và Ba Lan dừng lại. Sau đó, một số người tiêu dùng đã từ bỏ do Gazprom yêu cầu (theo sắc lệnh của Tổng thống Nga) thanh toán bằng đồng ruble. Sau đó, các vấn đề có thật hoặc được tưởng tượng đã bắt đầu xảy ra với đường ống Dòng chảy phương Bắc-1, nguồn cung cấp đã bị dừng ngay cả trước vụ phá hoại vào tháng 9/2022.
Nhưng giả thuyết rằng trong trường hợp xảy ra xung đột lớn, Nga sẽ ngừng hoàn toàn nguồn cung cấp qua Ukraine trong khi vẫn duy trì nguồn cung cấp qua đường ống Dòng chảy phương Bắc đã không thành hiện thực.
Từ quan điểm thực dụng, việc gia hạn hợp đồng thêm 5 năm nữa có thể sẽ có lợi cho cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, cả ở Moscow, Kiev và Brussels, hiện đang nói rõ rằng việc tiếp tục quá cảnh khí đốt Nga sang châu Âu là cực kỳ khó xảy ra. Nhưng vẫn còn thời gian để gia hạn hợp đồng.
Mới đây, Ukraine tuyên bố không có kế hoạch gia hạn thỏa thuận 5 năm với Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga về việc vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu hoặc ký một thỏa thuận khác. Thỏa thuận hết hạn vào cuối tháng 12/2024.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết: “Tôi có thể xác nhận rằng, chúng tôi không có kế hoạch ký kết bất kỳ thỏa thuận bổ sung nào hoặc gia hạn thỏa thuận hiện tại này”.
Ông Galushchenko tuyên bố, cuộc kiểm tra vào năm ngoái đối với hệ thống truyền tải khí đốt và các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của Ukraine đã chứng minh, hệ thống khí đốt của nước này “có thể hoạt động mà không cần vận chuyển”.
“Có đủ khí điều áp trong đường ống là điều kiện tiên quyết để đảm bảo nguồn cung khí đốt và cuộc kiểm tra nhằm đảm bảo rằng, người tiêu dùng Ukraine vẫn nhận được nhiên liệu nếu không còn dòng khí nào chảy từ Nga sang châu Âu”, ông Galushchenko nói.
Trong khi đó, phía Nga cho biết, sẽ sử dụng các tuyến đường thay thế và LNG vận chuyển bằng đường biển trong trường hợp Ukraine không gia hạn thỏa thuận đường ống dẫn khí.
Nguồn: https://congthuong.vn/trien-vong-mo-mit-cua-thoa-thuan-khi-dot-nga-ukraine-322289.html