Sáng 25-5, tại Museum Coffee đã diễn ra buổi tọa đàm Ẩm thực ven đường Huế với bác sĩ, họa sĩ Thân Trọng Minh, giảng viên ẩm thực Nguyễn Thị Phiên, ông Vũ Thế Thành – tác giả sách Ẩm thực ven đường Huế.
Buổi trò chuyện xoay quanh một số câu chuyện thú vị về khẩu vị và tinh thần ẩm thực của người Huế. Người Huế ăn uống ra sao? Tinh thần trong những món ăn của họ như thế nào?
Vì sao người Huế chỉ ăn lấy hương lấy hoa?
Nhà văn Nguyễn Tuân lúc sinh thời từng nhận xét, người Huế thích ăn bằng mắt. Nhưng dù huy động toàn bộ giác quan cho việc hấp thụ dinh dưỡng, người Huế cũng chỉ cốt ăn lấy hương lấy hoa, như họ thường tự nói về mình.
Trong Ẩm thực ven đường Huế, tác giả Vũ Thế Thành viết:
“Hồi sau năm 75, tôi phải đi lao động đào kênh, phải thế để bọn trí thức biết thế nào là ‘lao động là vinh quang’.
Trong nhóm có anh bạn Huế, làm gì cũng đủng đỉnh, ăn nói cũng đủng đỉnh. Tới bữa ăn, đủng đỉnh rút khăn tay lau chén đũa.
Tôi cười cười, ra tới đây rồi còn sạch sẽ gì nữa cha nội. Anh ta trả lời đủng đỉnh, cơm độn không ngon thì chén sạch cũng làm mình dễ nuốt. Đúng là phong thái vương gia trong mọi hoàn cảnh!
Tôi không biết phong thái đủng đỉnh này có ảnh hưởng gì tới “mỗi thứ chút chút” trong các món Huế dân dã hay không?”…
Dưới góc nhìn của người Sài Gòn, ông Vũ Thế Thành bảo người Huế ăn gì cũng chút chút. Chẳng hạn, khi lần đầu tiên ông ăn cơm hến ở Huế, ông phải ăn 3, 4 tô mới đủ no. Với ông, món cơm hến ngon đến mức không thể diễn tả thành lời.
“Khi tôi đến Huế, tôi ăn tô cơm hến đầu tiên của một người bán hàng rong. Tô cơm ngon đến nỗi mà tôi nghĩ mấy người học thi chỉ cần ăn 2, 3 tô là đầu óc họ sẽ ‘sáng suốt’ nguyên đêm”.
Giảng viên, nghệ nhân ẩm thực Huế Nguyễn Thị Phiên cho rằng người Huế có tính hiếu khách. Trong mỗi cuộc giỗ đám, họ làm từ 20 đến 30 món, mỗi thứ một chút để đãi thực khách được nhiều hơn.
Về mặt buôn bán, những đĩa bánh Huế đều nhỏ hơn so với miền Nam vì để cho những người có kinh phí eo hẹp cũng có thể thưởng thức.
Ẩm thực ven đường Huế gợi nhớ ký ức xưa
Tác giả Vũ Thế Thành bảo ông viết về món ăn ven đường Huế bởi má ông cũng là người bán rong. Với ông, việc ăn uống còn mang theo cả ký ức về người thân, gia đình.
Còn ký ức tuổi thơ của bác sĩ, họa sĩ Thân Trọng Minh cũng gắn liền với món ăn, thành phố Huế.
“Nhà tôi ở ghềnh đá. Dưới đó có nhiều gánh hàng rong. Chiều chiều, má tôi hay gọi bánh canh Nam Phổ cho mấy đứa con khi tụi nó đói. Rồi chúng tôi cũng hay đạp xe lên núi Ngự Bình ăn bánh bèo.
Ngoài câu chuyện khẩu vị, những quán ăn ven đường xứ Huế còn gợi lại cho tôi những ký ức khó quên của một thời đã qua” – ông Minh tâm sự.
Một độc giả gốc Huế đến với buổi trò chuyện chia sẻ cuốn sách Ẩm thực ven đường Huế gợi cho cô và bạn bè mình nhiều ký ức tuổi thơ ở quê nhà:
“Hồi bé, 3, 4 giờ chiều, chúng tôi hay đi ăn tàu hũ, cơm hến ở các gánh rong. Mỗi phần đều chút chút rứa thôi.
Người Huế không ăn chén to, tô to, ăn chi mô cũng phải nhỏ nhỏ, vừa vừa”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng người Huế không ăn hàng. Hồi xưa, con gái Huế mà đi ăn hàng, ăn rong thì bị dị nghị.
Dưới góc nhìn của tác giả Vũ Thế Thành, ông cảm nhận một cách dí dỏm:
“Thoạt đầu, tôi đặt tựa cho sách này là Ẩm thực vỉa hè Huế. Vài bà bạn gốc Huế ở Sài Gòn nói với tôi dùng từ “vỉa hè” không hợp với Huế vì hồi xưa con gái Huế không ăn hàng, ba mẹ cấm.
Cùng lắm là mua từ hàng rong rồi mang về nhà ăn. Điều này có lẽ đúng, con gái Huế xưa nay vốn kín đáo, gia phong nghiêm cẩn trong lời ăn tiếng nói ít ra là thế hệ của tôi, chứ không giản dị, bộc trực như con gái trong Nam, nghĩ thế nên tôi vẫn đôi chút ngần ngừ.
Khi tôi hỏi các bạn Huế nơi nào bán ngon, các bạn kể ra vanh vách. Có bà còn nói, món ni thường phải vô chợ An Cựu thì mới ra mùi vị Huế. Sự “kín đáo” thường đi kèm với kỹ năng khéo léo, chỉ có người bị lộ và chưa bị lộ”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-hue-khong-an-chen-to-to-an-chi-mo-cung-phai-nho-nho-vua-vua-20240525143908239.htm