Về mặt thực tế, điều này có nghĩa là khi người dùng hỏi ChatGPT một câu hỏi, kết quả có thể được thông báo bằng các bài báo trước đó trên các hãng tin của News Corp, bao gồm cả các tờ báo lớn trên toàn thế giới như Wall Street Journal, The Sun, The Times, The Australian hay The Daily Telegraph.
OpenAI cần đạt được thỏa thuận cấp phép nội dung với News Corp vì AI tạo sinh (GenAI) là một “con thú háu ăn”: nó cần dữ liệu để học hỏi và đổi lại tạo ra các kết quả đầu ra. Sức mạnh của “con thú” này phụ thuộc vào quy mô và chất lượng của dữ liệu đào tạo, bên cạnh thuật toán của nó.
Liệu giới báo chí và truyền thông có thể lại vừa tự bắn vào chân mình bằng cách tự chia sẻ tài sản quý giá nhất cho đối thủ hay không? Hay tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ sự sẵn có rộng rãi hơn của thông tin đáng tin cậy?
Làm việc với AI hay chiến đấu với nó?
Thực ra, từ trước tới nay, “quái thú” ChatGPT vốn đã vô tư tiêu thụ sách, bài viết và nội dung trên internet, để ngày càng trở nên “siêu phàm”, qua đó mang lại lợi nhuận và danh tiếng cho “ông chủ” OpenAI của nó. Điều này bao gồm các bài viết tin tức trực tuyến trên mạng, kể cả nội dung miễn phí, có bản quyền hoặc độc quyền.
Nhưng giờ việc “vô tư tiêu thụ miễn phí” đó của các mô hình chatbot bắt đầu gặp vấn đề, khi nhiều hãng tin và tổ chức truyền thông bắt đầu đặt câu hỏi về tính pháp lý của nó.
Đúng là ChatGPT hay mô hình AI nào đó đang mang lại giá trị chung cho nhân loại. Nhưng người ta không thể ra hiệu sách, sạp báo và tự ý mang về những mặt hàng ở đó và nói rằng bạn cần phải miễn phí tất cả những sản phẩm này vì nó mang lại lợi ích chung cho nhân loại. Cũng như việc người ta không thể yêu cầu chính các công ty AI miễn phí mọi sản phẩm của mình.
Đó là lý do tờ New York Times và một số tổ chức tin tức khác gần đây đã kiện OpenAI vì cáo buộc vi phạm bản quyền. Và bằng cách trực tiếp ký kết các thỏa thuận với các công ty truyền thông, thường phải rất lớn, các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT đang muốn đảm bảo họ tránh khỏi các rắc rối pháp lý về vấn đề này.
Ngoài ra, chất lượng và nguồn gốc của dữ liệu đào tạo cũng quan trọng và có thể dẫn đến những sai lệch về những gì AI tạo ra cũng là yếu tố để các công ty AI buộc phải hợp tác với những hãng tin chính thống.
Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao trong khi một số tổ chức truyền thông tin tức đang cố gắng ngăn chặn việc sử dụng nội dung của họ thì những tổ chức khác, bao gồm cả Associated Press (AP), lại đang ký kết các thỏa thuận với các công ty AI.
Hãy thận trọng và cảnh giác
Vẫn còn phải xem những thỏa thuận như thế này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các cơ quan báo chí nói chung, các nhà báo nói riêng. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, không phải tất cả những tổ chức tin tức trên thế giới đều có thể tự mình đàm phán cấp nội dung với các công ty AI hay được họ chú ý đến như News Corp.
Có nghĩa là một lần nữa, những tổ chức báo chí vừa và nhỏ sẽ lại bị đẩy sang một bên, khi những ông lớn truyền thông tranh giành các hợp đồng nội dung sinh lợi, còn các tổ chức nhỏ chỉ có được những mảnh bánh vụn hoặc bị bỏ đói hoàn toàn.
Các công ty công nghệ như OpenAI hiểu việc tạo ra tin tức chất lượng sẽ tốn tiền và họ cần phải có giấy phép sử dụng nội dung của các tổ chức báo chí. Bởi vậy, họ sẽ còn tiếp tục thực hiện các thỏa thuận với một số hãng tin lớn để vừa có nội dung để đào tạo AI, vừa có tin tức để cung cấp cho người dùng.
Cách thức trên của các công ty AI sẽ có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với việc họ tự tạo ra nội dung. Ít nhất việc mua sản phẩm dưới mức giá thành sản xuất đã là một thành công, còn việc sau đó họ kinh doanh thế nào với những sản phẩm này thì là chuyện khác (song chắc chắn không ai có thể giỏi hơn họ ở khoản này).
Về phía những hãng tin được các ông lớn AI trả tiền cho nội dung trước mắt sẽ cảm thấy được hưởng lợi, khi “tự dưng” nhận được về một khoản tiền lớn mà không phải mất thêm bất cứ chi phí nào (như đã biết một bài báo kỹ thuật số dù bán được cho 1 hoặc 1 triệu người thì gần như vẫn chỉ mất từng đấy chi phí).
Song hãy tạm dừng lại và suy nghĩ! Dù vô tình hay cố ý, rất có thể đây lại là cái bẫy mà các ông lớn công nghệ giăng ra nữa đối với báo chí nói chung. Khi có được nội dung với giá rẻ, các công ty công nghệ sẽ “bán lại” cũng với giá rất rẻ, thậm chí miễn phí (đổi lại lấy quảng cáo), nhưng với quy mô khổng lồ từ địa phương đến toàn cầu, qua đó thu về lợi nhuận kếch xù.
Và khi đó chẳng còn độc giả nào bỏ tiền để vào các trang báo mất phí hoặc miễn phí như của News Corp đọc nữa. Gần như tất cả nguồn thu của các hãng tin đó chỉ còn là số tiền mà các công ty AI trả cho họ.
Hiển nhiên, một ông lớn như tập đoàn News Corp do gia đình ông trùm truyền thông Rupert Murdoch sở hữu này thừa khôn ngoan để hiểu ra điều đó. Nhưng rất có thể vì cái lợi trước mắt hoặc vì họ có thể có những điều khoản ràng buộc khác mà họ tin rằng viễn cảnh tồi tệ kể trên sẽ không xảy ra.
Dẫu vậy, đây vẫn sẽ là một mối nguy nữa đối với báo chí. Nó giống như việc tất cả báo chí thế giới từng có lúc giao cho các nền tảng công nghệ như Google và Facebook phát hành miễn phí sản phẩm của mình để đổi lấy quảng cáo. Song kết quả là chỉ có một số tờ báo hưởng lợi, còn lại phần lớn bị chèn ép và ngày càng trở thành công cụ kiếm tiền của kẻ khác.
Vì vậy, sự thận trọng là cần thiết đối với các tổ chức tin tức khi chấp nhận bán nội dung để cho các công ty công nghệ sử dụng làm “thực phẩm” cho những “con thú háu ăn AI” của họ. Đây hoàn toàn có thể lại là một hành động tự bắn vào chân mình nữa của báo chí?
Hoàng Hải
Nguồn: https://www.congluan.vn/thoa-thuan-cua-news-corp-voi-openai-lai-la-hanh-dong-tu-ban-vao-chan-cua-bao-chi-post296836.html