Cho rằng dư địa tài khóa có thể tận dụng kích thích nền kinh tế, ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục đầu tư, nhất là với những dự án quy mô không lớn.
Chiều 25-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Mở đầu phiên họp chiều, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhận định, việc triển khai thực hiện áp dụng chính sách tài khóa theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã có tác động tích cực trực tiếp đến đời sống xã hội, qua đó giảm giá thành sản phẩm, giúp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho đời sống của người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có những tồn tại, hạn chế. Đơn cử, các quy định về bảo vệ khoáng sản, tận thu khoáng sản trong Luật Khoáng sản hiện hành đã làm cho nhiều dự án, dự án thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội khác gặp khó khăn; ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng chung đến phát triển kinh tế – xã hội.
“Nội dung này tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội, nay tiếp tục kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Công thương, Bộ TN-MT sớm có giải pháp tháo gỡ”.
ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) băn khoăn: “Có một số dự án, chương trình mang tính cấp bách, bắt buộc triển khai trong 2 năm (2022, 2023) nhưng vẫn phải tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng, các bước khác cũng theo quy trình thực hiện dự án thông thường, rất khó kịp tiến độ”.
Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM). ĐB Tuấn phân tích, các chính sách vừa qua có thể chia làm 3 nhóm. “Nhóm thành công có thể kể đến giảm thuế VAT; nhóm có hiệu quả trung bình là các chính sách đầu tư phát triển và nhóm có hiệu quả thấp, tiêu biểu là chính sách hỗ trợ 2% lãi suất. Tới đây nên tận dụng dư địa từ việc không giải ngân hết của gói hỗ trợ 2% lãi suất để giảm bội chi, giải quyết tạo công ăn việc làm, xây dựng nhà ở xã hội”, ĐB khuyến nghị.
Theo ông Trần Anh Tuấn, để nguồn vốn nhanh chóng vào được nền kinh tế, phát huy được hiệu quả cao nhất, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đầu tư.
“Thủ tục đấu thầu dự án có vốn vài chục tỷ đồng cũng như dự án quy mô tới vài ngàn tỷ đồng là không hợp lý”, ĐB Trần Anh Tuấn phát biểu.
ANH PHƯƠNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thu-tuc-voi-du-an-vai-ty-dong-phai-khac-vai-ngan-ty-dong-post741547.html