Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 23/5, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và 2024. Qua thảo luận, nhiều ý kiến nhận định, những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm… Tuy nhiên, vấn đề được nhiều đại biểu nêu ý kiến và bày tỏ quan ngại hiện nay là đầu tư tư nhân suy giảm và lượng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn.
Vực dậy niềm tin, thúc đẩy đầu tư tư nhân
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội), đầu tư tư nhân tăng thấp; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp); cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân… là những vấn đề cần lưu ý hiện nay. Do đó, đại biểu kiến nghị cần sớm có các giải pháp cụ thể khơi thông hoạt động doanh nghiệp, để doanh nghiệp tin tưởng mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất…
Thảo luận tại Tổ 1 gồm có các đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hà Nội |
Đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, số liệu về doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang dần cạn kiệt sức đề kháng, không đủ để chống chọi với những biến động của thị trường… Vì vậy, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, nuôi dưỡng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nội địa. Theo đó, Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm để hỗ trợ một cách thực chất, tiếp sức cho doanh nghiệp. Đại biểu lưu ý trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung khai thác triệt để tiềm năng của chính sách tài khóa, giúp cho doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh chóng, kịp thời và có sức lan tỏa.
Tận dụng dư địa tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế
Theo số liệu thống kê, năm 2019 có 89.200 doanh nghiệp rút khỏi thị trường; năm 2020 là 101.700 doanh nghiệp; năm 2021 là 120.000 doanh nghiệp; năm 2022 là 143.000 doanh nghiệp và năm 2023 là 172.600 doanh nghiệp. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), những con số như vậy thể hiện việc các doanh nghiệp trong nước đang thực sự gặp rất nhiều khó khăn, chịu rất nhiều áp lực cũng như thách thức cả bên trong và bên ngoài, trong khi đây là khu vực chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư phát triển (chiếm 45-50% trên phạm vi cả nước, riêng TP. Hồ Chí Minh lên tới 68-70%). Do đó, đại biểu Ngân cho rằng, cần có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn, trong đó có việc tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, tạo động lực đầu tư.
Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 của Chính phủ, một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới là tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng. Cùng với đó, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư nhân, tăng cường hợp tác công tư… |
Cùng bàn về nội dung trên, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc các doanh nghiệp thành lập mới và tái hoạt động tăng nhưng vẫn thấp hơn so với số giải thể, chờ phá sản, cùng với đó là số vốn thành lập trên một doanh nghiệp thấp đi là những vấn đề đáng quan ngại. Bên cạnh đó, trong khi cơ cấu đầu tư tư nhân đóng vai trò quyết định trong tổng cầu tăng trưởng kinh tế thì trong thời gian qua đầu tư còn yếu và đầu tư công vẫn chưa thu hút, dẫn dắt được đầu tư tư nhân.
Để nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh chính sách tài khóa còn dư địa, nên sử dụng các nguồn lực tài khóa, các gói hỗ trợ thông qua các khoản thuế, phí để hỗ trợ nền kinh tế, kích thích sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp thành lập và thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư. Đại biểu này nêu quan điểm, thời gian tới cần nghiên cứu để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết được những bất cập khiến thủ tục đầu tư chậm, qua đó thúc đẩy đầu tư công nhanh và hiệu quả hơn nữa.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với những công trình hạ tầng giao thông, các dự án trọng điểm. Bởi nếu tiến độ giải ngân các dự án, công trình đạt kế hoạch, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ sẽ thu hút được các nhà đầu tư, khi đó đầu tư công cũng sẽ làm tốt được vai trò của mình là dẫn dắt, lan toả, thu hút đầu tư tư nhân.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/quyet-liet-thuc-day-dau-tu-cong-vuc-day-dau-tu-tu-nhan-151976.html