Hàn Quốc chủ động thúc đẩy nối lại cơ chế Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn vốn đã bị đình trệ từ 2019 cho thấy nỗ lực muốn phá bế tắc trong vấn đề Triều Tiên và nhu cầu để lại di sản của Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 tại Phnom Penh, Campuchia, tháng 11/2022.(Nguồn: the Chosun Daily) |
Sau hơn 4 năm liên tiếp bị trì hoãn, Hội nghị Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn lần thứ 9 cuối cùng sẽ được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc trong các ngày 26-27/5. Hội nghị lần này có sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk Yeol.
Nối lại truyền thống
Sự kiện này vốn được kỳ vọng tổ chức vào năm 2020 sau Hội nghị lần thứ 8 tại Thành Đô, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, sự bùng phát nhanh chóng trên diện rộng của đại dịch Covid-19 và quan hệ căng thẳng Nhật-Hàn xoay quanh vấn đề bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng ép của Hàn Quốc đã khiến việc tổ chức sự kiện này trở nên khó khăn. Việc đăng cai Thượng đỉnh ba bên lần thứ 9 sau một thời gian ngắt quãng cho thấy thành công ngoại giao của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol và phản ánh rõ hơn cách tiếp cận “nhiều giỏ” của ông Yoon đối với vấn đề Triều Tiên.
Bắt đầu từ năm 2008 tại Fukuoka, Nhật Bản, cơ chế Thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn được thành lập với ý định tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy trao đổi thường xuyên và hợp tác giữa ba nước Đông Bắc Á. Mỗi nước lần lượt làm Chủ tịch luân phiên qua từng năm, theo thứ tự Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, cơ chế này đã bị ngắt quãng 3 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 3-4 năm.
Năm 2012, Thượng đỉnh lần thứ 5 do Trung Quốc chủ trì được tổ chức tại Bắc Kinh. Trong bối cảnh căng thẳng giữa ba nước gia tăng xoay quanh các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ, phải mất tới 3 năm để nước Chủ tịch tiếp theo là Hàn Quốc tổ chức Hội nghị lần thứ 6 tại Seoul năm 2015 nhờ các nỗ lực vận động của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Sau đó, khi đến lượt Nhật Bản đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 7 tại Tokyo năm 2016, ba nước đã quyết định trì hoãn việc này trong bối cảnh bà Park bị luận tội, dẫn đến bất ổn chính trị ở Hàn Quốc. Đến năm 2017, khủng hoảng THAAD (Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc) một lần nữa khiến cơ chế này bị hoãn do những căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ Trung-Hàn.
Phải đến khi người thay thế bà Park là cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lên nắm quyền với chính sách “3 không” về vấn đề THAAD, Thượng đỉnh lần thứ 7 tại Tokyo mới chính thức được tổ chức năm 2018.
Tạo thêm dấu ấn
Có thể thấy, hai lần ngắt quãng của cơ chế Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn đều xảy ra khi đến phiên Hàn Quốc làm Chủ tịch, và lần tạm hoãn thứ 3 cơ bản là hệ quả của biến động chính trị ở Hàn Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc là nước đã chủ động đề xuất việc thành lập Ban Thư ký Hợp tác Ba bên (TCS) vào năm 2009, góp phần dẫn đến việc thành lập chính thức cơ quan này vào năm 2011 sau đó, đặt trụ sở tại Seoul.
TCS là một tổ chức liên chính phủ có mục đích thúc đẩy hợp tác lâu dài giữa ba nước Trung-Nhật-Hàn thông qua các khuyến nghị chính sách. Việc thành lập TCS đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thể chế hóa hợp tác ba bên vốn đã được bắt đầu từ năm 1999. Với thực tế này, việc Hàn Quốc có thể nối lại cơ chế Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn bị trì hoãn từ năm 2019 đến nay có thể được đánh giá là một thành công ngoại giao, một dấu ấn nhất định trong di sản nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm của ông Yoon Suk Yeol.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt ngoại giao, sự kiện này còn là một nỗ lực của Hàn Quốc nhằm gửi đi thông điệp liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Trước mối đe dọa hạt nhân và chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Yoon Suk Yeol đang theo đuổi cách tiếp cận “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, vận động đa dạng các đối tác ở cả Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Trước đó, Tổng thống Yoon cần dành nhiều quan tâm và nguồn lực cho cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc ngày 10/4. Sau bầu cử, ông Yoon đã có thể tập trung nhiều hơn vào vấn đề Triều Tiên. Hàn Quốc đã và đang thúc đẩy việc chính thức nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm nay, nhân kỷ niệm 35 năm Đối tác đối thoại giữa hai bên. Vừa qua, Hàn Quốc và Campuchia cũng đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược trong chuyến thăm 4 ngày của Thủ tướng Campuchia Hun Manet đến Hàn Quốc từ 15/5. Gần đây, Hàn Quốc cũng có động thái đáng chú ý khi cử Ngoại trưởng Cho Tae Yul đến Bắc Kinh gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (lần đầu tiên sau 6 năm) trong bối cảnh Trung Quốc còn tương đối “trầm lặng” về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Nỗ lực tạo đột phá
Chuỗi các hoạt động ngoại giao nói trên thể hiện các nỗ lực của Hàn Quốc nhằm tìm ra “lối thoát” trong tình thế bế tắc trên bán đảo Triều Tiên hiện nay. Thay vì thay đổi cách tiếp cận cứng rắn của mình (trong đó có việc thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ và thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản trong khuôn khổ ba bên Mỹ-Nhật-Hàn), ông Yoon tìm cách vận động nhiều nước ở khu vực để tác động lên Triều Tiên, đưa nước này quay trở lại tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.
Bằng việc tái khởi động cơ chế Thượng đỉnh Ba bên Trung-Nhật-Hàn chỉ gần hai tuần sau chuyến đi Bắc Kinh của Ngoại trưởng Cho và chuyến thăm Seoul của Thủ tướng Campuchia – đối tác gần gũi của Trung Quốc ở Đông Nam Á, Hàn Quốc đang ngầm gửi đi thông điệp khá rõ ràng cho phía Trung Quốc rằng nước này nên đóng vai trò lớn hơn nhằm ngăn chặn chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên.
Trong khi cựu Tổng thống Park Geun Hye đã không thể tiếp tục duy trì thường niên cơ chế Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn sau năm 2015, việc Tổng thống Yoon có thể tiếp nối đà tổ chức định kỳ hàng năm của cơ chế này sau năm 2024 hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng ít nhất tại thời điểm hiện nay, có thể thấy những tiến triển nhất định trong chiến thuật “nhiều giỏ” của Tổng thống Yoon kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 10/4.
Với chiến thắng giòn giã của Đảng Dân chủ (DPK), chính quyền của Tổng thống Yoon sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi thi hành các chính sách đối nội cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2027. Do đó, để có thêm thành tựu trong 3 năm còn lại trên cương vị Tổng thống, ông Yoon cần thúc đẩy nhiều hơn trên mặt trận đối ngoại. Và Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn lần thứ 9 tại Seoul là một nỗ lực nằm trong tổng thể chiều hướng đó.
Nguồn: https://baoquocte.vn/sach-luoc-tiep-can-nhieu-gio-cua-tong-thong-han-quoc-272570.html