Những người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ ở Hà Tĩnh đang mang lại nhiều điều kỳ diệu trên những ‘cánh đồng chết’ một thời.
“Làm ruộng kiểu ni thích lắm”
Thọc đôi bàn tay xuống chân ruộng lúa, anh Nguyễn Văn Anh bốc lên một nắm bùn màu đen thẫm như than. Dưới ánh nắng trưa, từ trong đám bùn đất ruộng ấy lổn nhổn bò ra những rươi là rươi, con nào con nấy béo nung núc, bóng nhẫy. Ông chủ ruộng cười sảng khoái: “Bất cứ chỗ mô trên cánh đồng ni tui cũng có thể bốc rươi lên cho anh coi, cả cáy, rạm và cá tôm nữa, nhiều lắm. Cánh đồng đã được hồi sinh, anh ạ”.
Cánh đồng xã Kỳ Khang là một vùng trồng lúa khá rộng lớn nằm sát ngay kênh nhà Lê của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Một vùng cửa sông, cửa biển và thuần nông nên người dân chủ yếu sống dựa hết vào nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh ngậm ngùi, giọng chùng xuống: “Xưa nơi này vừa là vựa lúa, đồng thời là vựa rươi, vựa cáy tự nhiên của vùng đất nằm dưới chân Đèo Ngang, nồi cơm của mấy vạn con người. Nhưng trải qua bao thăng trầm, biến đổi, đã có lúc cánh đồng xã Kỳ Khang tưởng chừng như đã chết, không thể nào cứu vãn. Khoảng năm 2005 không thấy rươi, cáy xuất hiện trên đồng nữa”.
Cáy, rươi đi đâu hết mà cá tôm cũng ít dần rồi bặt tăm. Khỏi cần nghiên cứu khoa học thì cũng biết là do bà con quá lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hoá học. Mỗi vụ lúa không biết bao nhiêu tấn phân, thuốc trừ sâu, trừ cỏ đổ xuống. Ruộng thành “cánh đồng chết”. Cá tôm ở đây chết hết đã đành, nhiều vùng lân cận cũng bị ảnh hưởng, không thấy bóng dáng con rươi, con cáy nào nữa. Đất đai chai cằn, nhiều chỗ còn hoang hoá không khác gì sa mạc. Bà con nói do mình đầu độc ruộng đồng nên rươi, cáy mới bỏ đi.
Những vụ mùa thất bát, những bữa cơm thiếu hương vị của món chả rươi, bát mắm cáy thành ra nhạt nhẽo. Người dân muốn chăn nuôi thêm con lợn, con bò cũng khó khăn vì nguồn thức ăn từ đồng ruộng không đảm bảo, đã có gia đình gặp tai hoạ vì bò ăn phải thuốc trừ cỏ. Thực trạng ngày càng bi đát nên bà con mới họp bàn nhau cử người đi hỏi xem tìm giải pháp khắc phục thế nào. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Anh – chị Hoàng Thị Vinh hăng hái nhất.
“Tui đi họp trên xã, trên huyện nghe người ta nói chỉ có làm nông nghiệp hữu cơ may ra mới cứu được cánh đồng, không chỉ riêng Kỳ Khang mô, nhiều nơi cũng bị rồi, nhờ nông nghiệp hữu cơ đã hồi sinh ruộng đồng lại được”, chị Hoàng Thị Vinh kể lại.
Gia đình chị Vinh chính là gia đình đầu tiên ở Kỳ Khang đăng ký tham gia mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ kết hợp tái tạo, phục hồi nguồn lợi rươi tự nhiên của huyện Kỳ Anh bắt đầu từ hơn 3 năm trước, trên diện tích 3ha và cũng gian nan, vất vả lắm.
“Vụ đầu tiên năng suất không được như canh tác thông thường, lúa gieo xuống nhưng do không dùng thuốc BVTV nên cỏ mọc ken kín cả đồng, riêng công làm cỏ thôi cũng đã mệt hơn bổ củi. Vợ chồng đắn đo mãi, định bỏ rồi đấy, nhưng nhờ sự động viên của chính quyền nên vừa làm vừa khắc phục, rút kinh nghiệm dần. Nhất là thời điểm cuối vụ, tự nhiên cánh đồng nhà mình xuất hiện rạm, cá tôm rồi rươi, cáy… Vừa thu lúa, vừa được thu cả “lộc trời” nên tính ra còn lãi hơn cả mấy gia đình xung quanh”, chị Hoàng Thị Vinh hồ hởi.
Vụ ấy, với diện tích 3ha, gia đình chị Vinh thu hơn 2 tạ lúa ST25 mỗi sào, giá bán dao động từ 15 – 17 nghìn đồng/kg, nhưng hay thêm ở chỗ lúa gặt xong còn thu được cả rươi, cả cáy, tôm đất và rạm, túc tắc bán mỗi ngày cũng kiếm từ 500 – 700 ngàn đồng.
Thấy mô hình hữu cơ này hay quá, bà con xã Kỳ Khang lân la tìm hiểu để làm theo, đúng lúc trên huyện về vận động phát triển mô hình kinh tế tập thể, liên kết với Tập đoàn Quế Lâm để cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra cho bà con.
Tổ hợp tác lúa – rươi thôn Đậu Giang (xã Kỳ Khang) ra đời từ đó. Chị Hoàng Thị Vinh được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng. Tổ có 8 thành viên tham gia, diện tích mở rộng thêm 5ha theo mô hình sản xuất “đoạn tuyệt” với hoá chất.
Bây giờ thì cánh đồng lúa – rươi của Tổ hợp tác thôn Đậu Giang đã rộng hơn 17ha, vụ tới sẽ mở rộng lên 25ha, liên kết với doanh nghiệp để vừa phát triển mô hình sản xuất, vừa xây dựng thương hiệu lúa – rươi của xã Kỳ Khang.
Hôm chúng tôi đến, cánh đồng lúa – rươi sắp vào kỳ gặt. Tổ trưởng Vinh nói vui rằng lúa năm nay tốt lắm nhưng bà con trông đợi nguồn thu chính từ rươi. Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh thì ví von rằng cánh đồng hữu cơ của bà con đang gọi cá tôm về. Chị Vinh cũng vui vẻ phụ hoạ: “Ngày nào đồng ruộng cũng cho quà. Không rươi thì cáy, rạm, tôm cá. Làm ruộng kiểu ni thích lắm các chú à”.
“Cũng còn nhiều bà con còn lo ngại làm hữu cơ vất vả, như chăm con mọn ấy, nhưng làm rồi lại thấy khoẻ hơn so với canh tác truyền thống. Đơn giản như bón phân hữu cơ cho ruộng, cây lúa hấp thụ dinh dưỡng xong chất hữu cơ tích tụ lại ở các cánh đồng, đến vụ sau cán bộ kỹ thuật hướng dẫn giảm từ 70kg xuống còn 60, rồi 50kg mà lúa vẫn cứ tốt, cứ khoẻ. Con rươi, con cáy, con tôm, con cá cũng ngày một nhiều hơn. Thế mới hay”, chị Vinh tươi cười.
Hướng đi của vùng đất khó Hà Tĩnh
Tiếp niềm vui của những bà con tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ ở Kỳ Khang, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh tiết lộ thêm: Song song với xây dựng mô hình này, chúng tôi đã lấy mẫu đất, mẫu nước ở thôn Đậu Giang (xã Kỳ Khang) gửi Viện Di truyền Nông nghiệp và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1 (Bộ NN-PTNT) để nhờ phối hợp xem có đưa được giống rươi ngoài Hải Dương vào không, nhưng sau vụ đầu tiên làm hữu cơ, thấy rươi xuất hiện trở lại rồi nên thành ra dự án đó cũng bỏ nốt.
Ông Nguyễn Văn Thái phân tích, với đặc thù địa lý, khí hậu ở vùng đất “chảo lửa, túi mưa” như Kỳ Anh thì đời sống của người dân chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Toàn huyện hiện có gần 10 nghìn ha lúa, tổng đàn lợn 28,3 nghìn con, cùng với đó là nuôi tôm, chăn nuôi trâu bò…
Xác định nông nghiệp hữu cơ là con đường tất yếu nên UBND huyện Kỳ Anh đã chủ động ký kết hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm – doanh nghiệp tiên phong về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Sau gần 3 năm triển khai, đến nay huyện đã xây dựng được hơn 32ha lúa hữu cơ, 1 mô hình trồng chè hữu cơ, 1 mô hình trồng dưa hấu hữu cơ và 1 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ. Kế hoạch ngay trong năm nay, Kỳ Anh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, giúp người dân tăng thu nhập, quảng bá sản phẩm nông sản hữu cơ trên địa bàn.
“Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ của huyện Kỳ Anh là vùng nào thâm canh làm theo quy tình hữu cơ thì bắt buộc phải xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đến nay, huyện đã có 2 mô hình lúa hữu thành công ở Đậu Giang (xã Kỳ Khang) và Phú Minh (xã Kỳ Phú). Tất cả vật tư đầu vào, quy trình sản xuất phía Tập đoàn Quế Lâm đều hỗ trợ bà con và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện. Sau một thời gian thực hiện, chúng tôi mang mẫu đất, mẫu nước đi phân tích và kết quả đều đạt chuẩn. Thậm chí độ mùn trong đất còn cao hơn so với những khu vực khác. Các nhà khoa học về đây gọi là hệ sinh thái ruộng đồng đã được hồi sinh”, Giám đốc Nguyễn Văn Thái hồ hởi.
Tham quan một số mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ ở Hà Tĩnh, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đồng tình: Nhiều người nghĩ Hà Tĩnh là vùng đất khó, sẽ khó khăn cho phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng. Tuy nhiên thực tiễn các mô hình đã chứng minh ngược lại. Một số địa phương như ở các huyện Vũ Quang, Kỳ Anh, Đức Thọ… có thể gọi là “hiện tượng” bởi phong trào làm nông nghiệp hữu cơ đã khẳng định thành công và đang lan toả rất mạnh mẽ.
Cụ thể, trong buổi làm việc mới đây về phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Hà Tĩnh, các cơ quan chuyên môn thông tin: Thực hiện chương trình hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Quế Lâm, sau hơn 2 năm thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, đã có hơn 30 hộ gia đình chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô tổng đàn lợn nái 150 con/năm, sản xuất hàng năm 3.000 con lợn thịt. Chuỗi giá giá trị lúa gạo hữu cơ thu hút hơn 1.000 hộ và 8 HTX tham gia với tổng diện tích giống lúa DT 39 Quế Lâm hơn 210ha/vụ…
Hiệu quả kinh tế của liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi trong chăn nuôi bước đầu đã rõ, đặc biệt môi trường chăn nuôi không có mùi hôi, tiết kiệm nước, không xả thải ra môi trường, trong hai năm không xảy ra dịch bệnh trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn xảy ra.
Đối với các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, sau 2 – 3 vụ không sử dụng hóa chất BVTV, phân hóa học đã làm cho đất màu mỡ, thải các chất độc hại nên cây lúa phát triển mạnh, hầu như không phải xử lý sâu bệnh, năng suất ổn định. Những ruộng lúa – rươi – cáy tại Kỳ Anh, Đức Thọ đã giúp người dân có thu nhập cao, hệ sinh thái đồng ruộng được phục hồi.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết: Vấn đề sản xuất hữu cơ ở Hà Tĩnh bước đầu đã được triển khai trên một số cây trồng, đã góp phần thay đổi nhận thức cho người sản xuất. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2 – 2,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp của Hà Tĩnh.
“Xu thế thời đại sản xuất nông nghiệp đương nhiên phải an toàn, cùng với đó là sản phẩm chất lượng cao, giá trị cao. Lựa chọn hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm, chúng tôi kỳ vọng sẽ lan toả phong trào sản xuất hữu cơ mạnh mẽ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Hà Tĩnh xanh và bền vững”, ông Nguyễn Văn Việt khẳng định.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/ky-tich-tren-nhung-canh-dong-o-ha-tinh-d387004.html