Theo Ban quản lý, sau gần 7 năm (từ năm 2017) chuyển đổi phương án kiểm soát phí tham quan vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An từ thủ công sang kiểm soát bằng hệ thống thẻ điện từ, vùng lõi Khu sinh quyển và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An đã đón gần 1,8 triệu lượt khách tham quan.
Tại bến tàu Cửa Đại hiện có 7 cổng kiểm soát và hệ thống máy kiểm soát được lắp đặt, phát hành 3 loại thẻ điện từ: màu xanh đậm dùng cho khách mua phí tham quan 100%; màu vàng giảm phí 50% và màu đỏ miễn phí. Riêng người dân xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) được ra vào tự do.
Trong 1,8 triệu lượt khách tham quan tính đến cuối tháng 4/2024, khách mua phí gần 1,6 triệu lượt (trong đó có 300 nghìn lượt khách quốc tế, khách miễn phí theo quy định hơn 130 nghìn lượt), thu về cho ngân sách nhà nước gần 109 tỷ đồng.
Để quản lý lượng khách đến tham quan vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với đơn vị tư vấn chuẩn bị phương án chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu về Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt và triển khai trong thời gian tới.
Số hóa dữ liệu đa dạng sinh học là bước đầu thực hiện chuyển đổi số xuất phát từ chính yêu cầu nhiệm vụ trong khu sinh quyển. Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã và đang từng bước số hóa các thông tin sự phân bố các giống loài (hình ảnh, mẫu vật), tạo thuận lợi cho công tác truy xuất, cập nhật…
Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được Ủy ban điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới của UNESCO công nhận vào ngày 26/5/2009, bởi những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay.
Các giá trị đặc trưng bao gồm: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc Hệ thống các các khu bảo tồn cấp quốc gia; phố cổ Hội An – Di sản văn hóa của UNESCO được công nhận năm 1999; rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; hệ thống rừng phòng hộ ven biển…
Theo ông Hùng, sau 15 năm, từ một xã đảo Tân Hiệp nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt từ cơ sở vật chất, tài nguyên trên rừng, mỗi năm xã đảo phải tiếp nhận hàng cứu trợ vào cuối năm, đến nay, Cù Lao Chàm đã chuyển mình toàn diện, không những thoát nghèo mà còn vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về mức thu nhập.
Lãnh đạo Sở TN-MT Quảng Nam cho biết, để tiếp tục thể hiện trách nhiệm của địa phương đóng góp vào quá trình phục hồi đa dạng sinh học của quốc gia cũng như toàn cầu; Quảng Nam đã có sáng kiến đề xuất tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024 chủ đề “Chung sống hài hòa với thiên nhiên” với hơn 40 hoạt động liên quan được tổ chức từ tháng 3 – tháng 12/2024 trên toàn tỉnh.
H.Nguyễn
Nguồn: https://vietnamnet.vn/day-manh-so-hoa-du-lieu-da-dang-sinh-hoc-o-cu-lao-cham-2284292.html