Chỉ số phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cho thấy Việt Nam đứng thứ 59/119 với điểm trung bình 3,96/7 trong bảng xếp hạng.
Nếu so với thống kê của hai năm trước, đây là sự tụt hạng đáng kể khi Việt Nam đứng thứ 52/117 với điểm trung bình 4,1/7. Như vậy, tổng điểm Việt Nam đạt được là 3,96, giảm 0,2% so với năm 2019.
TTDI là bản nâng cấp của chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của WEF công bố hai năm một lần, dựa trên bối cảnh mới sau đại dịch COVID-19.
Bao gồm 119 nền kinh tế, TTDI đo lường tập hợp các yếu tố và chính sách cho phép phát triển bền vững và linh hoạt của ngành du lịch và lữ hành (T&T), từ đó đóng góp vào sự phát triển của một quốc gia.
Bộ chỉ số dựa trên 5 nhóm chính gồm môi trường hoạt động; chính sách và điều kiện hỗ trợ; cơ sở hạ tầng; động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch và cuối cùng là sự bền vững của du lịch.
Đi vào chỉ tiêu cụ thể, 5 nhóm chỉ số trên chia thành 17 lĩnh vực như an ninh, an toàn; y tế và vệ sinh; chính sách mở cửa; hạ tầng du lịch, vận chuyển; tài nguyên tự nhiên, văn hóa; bền vững của môi trường.
Năm nay, điểm yếu của du lịch Việt Nam là hạ tầng dịch vụ. Với chỉ số này, du lịch Việt Nam chỉ đạt 2,2 điểm, xếp hạng 89/119 trên toàn thế giới. Đây cũng là số điểm thấp nhất của Việt Nam trong 5 nhóm chỉ số của TTDI.
Du lịch Việt Nam chưa tạo được sự lan tỏa
Đi sâu vào các chỉ tiêu cụ thể, chỉ số cạnh tranh cao nhất của du lịch Việt Nam về giá. Chi phí du lịch thấp hơn nhiều so với nhiều điểm đến khác trong khu vực và trên thế giới. Điều này làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách có ngân sách hạn chế.
Chỉ số này càng được chú ý hơn khi kể từ sau dịch COVID-19, du lịch của quốc gia phải gánh chi phí nhiên liệu và vận hành tăng lên, cũng như sự mất cân bằng giữa cung và cầu, bị tác động thêm bởi các yếu tố địa chính trị và kinh tế vĩ mô gây ra lạm phát chung cao hơn.
Đáng chú ý, chỉ số xếp hạng thấp nhất của Việt Nam là tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch với 2,95 điểm, đứng thứ 115, gần cuối bảng xếp hạng. Chỉ số này đo lường tác động kinh tế, xã hội của ngành như đóng góp cho nền kinh tế, cung cấp việc làm thu nhập cao, bình đẳng giới trong lực lượng lao động.
Giám đốc một doanh nghiệp du lịch có trụ sở ở TP.HCM nhìn nhận kết quả cũng phản ánh du lịch Việt Nam đang thiếu các chiến lược phát triển trong việc thúc đẩy du lịch bền vững và lâu dài.
“Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phong phú, nhưng khả năng khai thác và quảng bá du lịch còn hạn chế, dẫn đến sự lan tỏa của ngành với các thành phần kinh tế, cộng đồng chưa cao”, vị này nhận xét.
Theo ông Phước Đặng, CEO Outbox Company, chỉ số đo lường tác động kinh tế, xã hội trong du lịch rất quan trọng, thể hiện cách vận hành và các chính sách của một quốc gia đã thực sự đầu tư cho du lịch hay chưa.
Mặc dù du lịch là một ngành quan trọng, nhưng so với các quốc gia khác, đóng góp của du lịch Việt Nam vào GDP chưa cao và chưa tạo ra việc làm hiệu quả, người dân vẫn chưa tận dụng được tiềm năng du lịch để tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn.
Trong khối ASEAN, Singapore là quốc gia có thứ hạng cao nhất, xếp thứ 13. Các quốc gia xếp trên Việt Nam gồm Indonesia hạng 22, Malaysia hạng 35, Thái Lan hạng 47. Việt Nam đứng trên Philippines hạng 69, Campuchia hạng 86 và Lào hạng 91. Indonesia là quốc gia trong khu vực tăng 14 bậc, từ 36 lên 22.
Nguồn: https://tuoitre.vn/canh-tranh-cao-ve-gia-nhung-du-lich-viet-nam-van-bi-tut-hang-20240524161257849.htm