Kén cá chọn canh
Cô ruột của tôi năm nay đã 59 tuổi, chưa từng cưới chồng lần nào, hiện giờ cô ở một mình, mỗi tháng lĩnh 7 triệu tiền lương hưu, vô lo vô nghĩ mà sống. Sau khi nghỉ hưu, không còn cảm giác tuy bận rộn nhưng hào hứng như khi đi làm nữa, mỗi ngày trôi qua chỉ có một mình đi chợ nấu cơm, ra quảng trường tập nhảy, đi dạo phố. Hầu như hôm nào cũng thế, như lúc trước thỉnh thoảng cô còn đi du lịch với đồng nghiệp cũ, giờ thì hay bị đau chân, chẳng mấy khi ra khỏi nhà.
Tôi từng hỏi cô, ngày nào cũng lặp lại như thế, cô không sợ buồn chán quá rồi nhỡ đâu bị trầm cảm thì sao. Cô tôi chỉ thở dài rồi bảo: “Già rồi ai mà chẳng vậy, chán quá thì phải tự tìm việc làm cho đỡ buồn thôi”.
Vì sao cô tôi không lấy chồng ư? Vì cô quá kén chọn, lúc đến tuổi cưới chồng thì mãi không gặp được đối tượng phù hợp, thế là ở vậy từ đó đến giờ.
Cô tôi tuy dáng người nhỏ nhắn nhưng đường nét khuôn mặt lại xinh xắn ưa nhìn, lúc còn trẻ cũng ăn mặc rất thời thượng, hợp mốt. Lúc còn bé, tôi thích mê đống mỹ phẩm và quần áo giày dép của cô. Tôi từng lén cô thoa phấn hồng lên má, xỏ đôi chân bé tí của mình vào đôi giày cao gót lênh khênh, uốn éo trái phải bắt chước dáng đi của cô tôi. Lúc 30 tuổi, cô còn tự mình đi chụp một bộ ảnh mặc váy cưới, cực kì xinh đẹp.
Thực ra cô ruột tôi cũng chỉ là công nhân của một nhà máy nhỏ, trong nhà cũng từng giới thiệu đối tượng cho cô, nhưng người thì cô chê xấu, người thì ở quá xa, cuối cùng chẳng có buổi xem mắt nào thành công. Nhiều năm trôi qua, tôi hỏi cô không lấy chồng thì có hối hận không, cô chỉ thở dài bất lực: “Hối hận thì có tác dụng gì, chỉ trách hồi đấy còn nhỏ, không hiểu chuyện”.
Thiếu đi sự quan tâm, khuyên răn của cha mẹ
Bố tôi cũng gần giống như vậy, mãi năm 37 tuổi ông mới gặp mẹ tôi, 40 tuổi mới sinh ra tôi, mà thời của bố mẹ tôi lúc đó thì nam nữ lớn tuổi còn độc thân được coi là “động vật hiếm”, nói thẳng ra là ế. Những người như vậy bị mọi người kì thị rất nhiều, đặc biệt là phụ nữ. Tôi trêu bố: “Lúc đấy bố cũng gần 40 tuổi rồi, cô con cũng chưa lấy chồng, hai anh em ở vậy chăm sóc nhau cũng tốt mà, sao đột nhiên bố lại muốn lấy vợ thế?”.
Bố tôi thành thật trả lời: “Hồi còn trẻ ham chơi, cứ khi nào được nghỉ làm là lại hẹn anh em bạn bè đi chơi, chẳng để ý đến chuyện yêu đương cưới xin. Lâu dần, đến tuổi 30, bố phát hiện đồng nghiệp bạn bè xung quanh đều lấy vợ sinh con hết rồi, chẳng hẹn được ai đi chơi cả. Lúc đấy bố mới ý thức được mình cũng nên quan tâm đến chuyện chung thân đại sự của mình rồi, không thể ham chơi như thời trai trẻ được nữa. Đến cả bà nội cũng không giục giã, cứ để hai anh em tự do bay nhảy, giờ nghĩ lại nếu ngày đó bà nội khuyên răn một hai câu thôi thì bây giờ cũng không đến nỗi thằng anh tóc bạc mới có con, con em thì cả đời không lấy chồng thế này”.
Tôi hiểu ra, có lẽ “không hiểu chuyện” mà bố và cô tôi nói thực ra là “không ý thức được” chuyện bản thân đã bỏ lỡ độ tuổi đẹp nhất để yêu đương và lập gia đình, không hiểu được sự ảnh hưởng của việc về già không có ai bầu bạn cạnh bên. Bà nội tôi ít hiểu biết, sinh được 7 người con đều nuôi theo kiểu “nuôi thả”, để cho con cái tự lớn. Ngày xưa môi trường không tốt như bây giờ, lại sinh nhiều con, ngày nào cũng bận rộn kiếm cơm nuôi miệng ăn trong nhà, cho nên nuôi con cao lớn khoẻ mạnh là tốt lắm rồi, chứ chưa nói đến chuyện truyền thụ lại kinh nghiệm cuộc sống, để con cái không đi lầm đường.
Tuy bố tôi 40 tuổi mới có con, đến tuổi già vẫn phải chăm lo con cái chưa được nghỉ ngơi, nhưng bố tôi vẫn may mắn vì có gia đình ở bên, cùng nhau chống đỡ khó khăn. Còn cô ruột tôi, không lấy chồng, cô đơn biết bao nhiêu năm, lúc trẻ thì chịu sự gièm pha của người đời, về già lại lủi thủi một mình, không có con cái chăm sóc, không có bạn đời ở bên, chẳng may đổ bệnh thì lại càng vất vả hơn.
Thỉnh thoảng đến thăm cô, nhìn ngôi nhà rộng lớn nhưng vắng lạnh, không có tiếng nói cười, chỉ có một mình cô ở đó, bóng dáng nhỏ gầy khiến tôi thấy trong lòng buồn mãi không thôi. Tôi biết, cô tôi hối hận, hối hận ngày trẻ đỏng đảnh khó tính, dù cho từng nghe những câu chuyện lấy chồng xong vất vả mệt nhọc, mất đi sự tự do, nhưng cuộc đời phải nghĩ đến tương lai xa hơn. Được nắm tay một người cùng nhau già đi, đến tuổi xế chiều con cháu đầy nhà, cũng là niềm hạnh phúc tưởng chừng giản đơn nhưng bao người mong ước đó chứ.
Nghĩ kỹ để không phải hối hận
Suy cho cùng, kết hôn hay không, sinh con hay không, hay là lựa chọn thế nào đi nữa thì trước khi đưa ra quyết định cũng phải suy nghĩ thật kỹ, phải tự hỏi bản thân có chấp nhận được kết quả của sự lựa chọn đó không. Chưa nghĩ kỹ cũng đừng lo lắng, thời gian trôi qua, kinh nghiệm sống chúng ta học được nhiều thêm, biết đâu lúc đó sẽ có câu trả lời chính xác.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/u60-nghi-huu-luong-7-trieu-khong-chong-con-tung-oan-han-cha-me-chi-can-mot-loi-khuyen-la-du-dua-cuoc-doi-con-re-theo-huong-khac-17224052315442066.htm