Cùng với đó, vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng ở địa phương về công tác đăng kiểm cũng có những hạn chế cần tháo gỡ. Vì vậy, cùng với khắc phục những khó khăn, bất cập thì thay đổi cơ chế, chính sách quản lý là việc mà các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết.
Nhiều chính sách cần sửa đổi
Tìm hiểu tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, chúng tôi được biết, mức phí đăng kiểm như hiện nay rất thấp. Theo Thông tư số 55/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016/TT-BTC quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới thì xe 3 bánh và các loại phương tiện vận chuyển tương tự có phí thấp nhất là 110.000 đồng. Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng có mức phí cao nhất là 570.000 đồng. Đối với ô tô chở người, mức phí dao động 250.000-360.000 đồng tùy theo số lượng ghế ngồi.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 90-02S (Hà Nam) cho biết: “Mức lệ phí kiểm định này đã tồn tại hàng chục năm nay. Năm 2022, Bộ Tài chính cũng có điều chỉnh tăng lệ phí kiểm định, tuy nhiên mỗi phương tiện cũng chỉ tăng 10.000 đồng. Trong khi các loại chi phí mà doanh nghiệp phải chi hằng tháng, như: Tiền điện, tiền nước, tiền nhân công, tiền mua trang thiết bị, thuê mặt bằng làm nhà xưởng… đều tăng quá nhiều, dẫn đến bài toán về tài chính đối với các doanh nghiệp rất khó khăn. Hiện nay, mức phí kiểm định ô tô cao nhất là 570.000 đồng, tuy nhiên để kiểm định những xe trọng tải lớn rất mất thời gian và hại thiết bị. Vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan chức năng điều chỉnh lại lệ phí kiểm định để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”.
Liên quan đến vấn đề lệ phí kiểm định, trên phương diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Đức Cường, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Ninh Bình) cũng cho rằng, mức lệ phí đăng kiểm hiện nay là rất thấp, rất bất cập. Vì vậy, nếu Nhà nước không điều chỉnh thì thời gian tới, nhiều đơn vị đăng kiểm phải đóng cửa, do thu không đủ chi.
Không chỉ lệ phí đăng kiểm thấp mà với những trung tâm đăng kiểm thuộc sở GTVT quản lý thì vấn đề mua sắm, thay thế trang thiết bị cũng gặp không ít khó khăn. Ví như tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 18-01S thuộc quản lý của Sở GTVT tỉnh Nam Định, để có thể thay thế máy móc, trang thiết bị có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên, trung tâm phải đăng công bố trên báo mời các nhà cung cấp đấu giá, qua thẩm định giá… Sau khi chọn được nhà thầu có giá rẻ nhất thì lúc đó trung tâm mới đặt hàng. Do đó, để có thể thay thế trang bị hỏng hóc, nhanh nhất cũng phải mất từ 2 đến 3 tháng. Trong thời gian đó, dây chuyền kiểm định phải dừng hoạt động. “Một vấn đề cũng gây khó khăn đối với trung tâm đăng kiểm thuộc sở GTVT quản lý là “giữ chân” kiểm định viên. Hiện nay, đa số kiểm định viên thuộc trung tâm trả lương theo hệ số, vì vậy thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, trong khi, các trung tâm đăng kiểm đều thiếu kiểm định viên. Lợi dụng vấn đề này, các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa liên tục mời chào kiểm định viên của trung tâm chúng tôi sang làm việc với mức lương gấp 2-3 lần. Do đó, nếu không có chính sách tốt với đội ngũ kiểm định viên thì rất khó để họ yên tâm công tác”, ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 18-01S (Nam Định) cho biết thêm.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương
Tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến tiêu cực trong đăng kiểm xe cơ giới thời gian qua là do công tác quản lý. Chúng ta đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho sở GTVT các địa phương, nhưng không đi cùng với giám sát, kiểm tra.
Đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng rất đúng với thực tế. Ở một góc độ khác, quá trình tìm hiểu của phóng viên, sở GTVT một số địa phương có ý kiến rằng, từ khi có Nghị định số 139/2018/NĐ/CP “Quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới”, thực hiện xã hội hóa hoạt động đăng kiểm, cho phép tư nhân tham gia dịch vụ công về đăng kiểm không hạn chế, theo đó, chủ đầu tư sau khi đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, xưởng kiểm định, nhân lực, kiểm định viên… thì chỉ cần lập một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam. Sau đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức đánh giá, nếu đạt sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để trung tâm hoạt động. Với quy trình như vậy, vai trò quản lý của sở GTVT địa phương đối với các trung tâm đăng kiểm hoạt động theo phương thức xã hội hóa trên địa bàn rất hạn chế. Thậm chí, có những hoạt động thanh tra, kiểm tra trung tâm đăng kiểm xã hội hóa của cơ quan thuộc bộ nhưng sở không nắm được. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá mô hình tổ chức của các đơn vị đăng kiểm; tham mưu phân cấp, phân quyền bảo đảm phù hợp, phát huy vai trò quản lý nhà nước của địa phương về hoạt động đăng kiểm.
Một điều khó khăn trong công tác đăng kiểm hiện nay đối với các trung tâm đăng kiểm là thiếu đăng kiểm viên. Về vấn đề này, đại diện Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho rằng, theo quy định hiện nay, để trở thành đăng kiểm viên thì sau khi được đào tạo chuyên môn, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, còn phải trải qua 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ GTVT quy định mới có thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên. Điều này là không cần thiết, bởi với một đăng kiểm viên sau khi đáp ứng được tất cả yêu cầu theo quy định thì có thể tổ chức sát hạch, nếu vượt qua kỳ sát hạch thì hoàn toàn có thể cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên để hành nghề mà không cần phải trải qua 12 tháng thực tập nghiệp vụ như quy định hiện nay.
Sau những sai phạm của các trung tâm đăng kiểm thời gian qua, có thể thấy, đã đến lúc công tác đăng kiểm xe cơ giới cần có những thay đổi cho phù hợp thực tế hiện nay. Tháo gỡ những khó khăn trước mắt, nhanh chóng tổ chức lại hệ thống các trung tâm đăng kiểm, bổ sung nhân lực, tăng thời gian kiểm định phương tiện… là những việc làm cần thiết để giải quyết các khó khăn mà ngành đăng kiểm đang gặp phải hiện nay. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể, bài bản từ công tác quản lý, tổ chức hoạt động, kiểm tra, giám sát… đến chế độ đãi ngộ và tính minh bạch về tài chính mới tạo được những điều kiện để hoạt động đăng kiểm xe cơ giới ổn định và phát triển.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH