Reuters ngày 23-5 đưa tin nước Mỹ vừa ghi nhận trường hợp thứ hai nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở người tại tiểu bang Michigan hôm 22-5. Trước đó, trường hợp đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 4 vừa qua ở tiểu bang Texas.
Tương tự như trường hợp đầu tiên ở Texas, các bác sĩ phát hiện vi rút cúm H5N1 trong mẫu xét nghiệm lấy từ dịch mắt của bệnh nhân tại Michigan.
Đài CNBC dẫn lời nhà dịch tễ học Nirav Shah nhận định việc phát hiện vi rút cúm H5N1 ở dịch mắt là một dấu hiệu đáng mừng. “Kết quả xét nghiệm trên làm giảm khả năng lây truyền qua đường hô hấp. Bởi họ không phát hiện vi rút H5N1 trong mẫu xét nghiệm lấy ở mũi bệnh nhân”, ông Shah nói thêm.
Theo cơ quan y tế của Michigan, bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ và đã hồi phục. Người này thường xuyên tiếp xúc với đàn gia súc bị nhiễm cúm H5N1. Vì thế, giả thiết hàng đầu về nguyên nhân mắc bệnh là do lây nhiễm từ bò sang người.
Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nói rằng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn thấp. Các chuyên gia của CDC Mỹ cũng nói thêm họ chưa tìm thấy bằng chứng về việc lây truyền vi rút cúm H5N1 từ gia cầm sang người.
Trái lại, ông Scott Hensley, chuyên gia về vắc xin cúm tại Đại học Pennsylvania, lại cho rằng việc nước Mỹ ghi nhận ca nhiễm cúm H5N1 thứ hai ở người là một điều đáng lo ngại.
“Đây là điều đáng lo ngại vì nó cho thấy loại vi rút này đang lây lan rộng rãi ở bò. Từ đó có thể dẫn đến những biến đổi trong chính vi rút cúm H5N1 và làm tăng khả năng phản ứng của con người với vi rút này”, ông Hensley nói.
Michigan và Texas là hai trong số chín tiểu bang báo cáo dịch cúm gia cầm ở bò sữa từ đầu năm 2024 đến nay. Kể từ tháng 3 vừa qua, CDC đã tiến hành xét nghiệm gần 40 người làm việc tại một số trang trại chăn nuôi bò sữa ở Michigan và Texas.
Các nhà khoa học Mỹ tin rằng đợt bùng phát dịch cúm H5N1 đang lan rộng hơn sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) báo cáo phát hiện vi rút H5N1 trong khoảng 20% mẫu xét nghiệm lấy từ sữa.
Hiện Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin Pfizer và Moderna để phát triển vắc xin ngừa cúm H5N1 ở người.
“Mối lo ngại lớn” cúm gia cầm lây từ chim, bò sang người
Hồi cuối tháng 4, bà Trương Văn Thanh, người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từng cảnh báo nguy cơ vi rút cúm gia cầm H5N1 lây sang bò ở các quốc gia khác bên ngoài nước Mỹ thông qua những loài chim di cư.
“Những đàn bò ở các quốc gia khác cũng sẽ đối mặt với nguy cơ nhiễm cúm H5N1 bởi loại vi rút này có khả năng lây lan khắp thế giới thông qua các loài chim di cư”, bà Trương Văn Thanh phát biểu trong một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 30-4.
Bà Trương cũng nhắc lại việc Liên Hiệp Quốc đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng do vi rút gây ra là rất thấp, nhưng cũng kêu gọi mọi người phải nâng cao cảnh giác.
Phía WHO từng gọi nguy cơ lây lan vi rút H5N1 từ bò hoặc từ chim sang người là “mối lo ngại lớn”, dù tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng là rất thấp do vi rút H5N1 không có khả năng truyền từ người sang người.
Nguồn: https://tuoitre.vn/my-phat-hien-nguoi-thu-hai-mac-cum-gia-cam-h5n1-nghi-lay-tu-bo-20240523122356125.htm