Tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm và đùn đẩy công việc được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội, sáng 23/5.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận đây cũng là một khó khăn đối với doanh nghiệp. Qua nhiều cuộc trao đổi, gặp gỡ, ông Thanh cho biết doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy.
“Có những việc trước đây vẫn quyết mà bây giờ không dám quyết; có nhiều việc cứ hỏi lên cấp trên, hỏi cả sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Thanh nêu thực tế.
Cũng quan tâm vấn đề này, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật) đề nghị Chính phủ có đánh giá, thống kê sâu hơn về tình trạng một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, ông Ba cho biết đến hết năm 2023 đã có gần 18.000 cán bộ bị xử lý kỷ luật. Vị đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, bóc tách các nhóm vi phạm, nhất là nhóm liên quan tới vi phạm Luật Cán bộ công chức, đạo đức công vụ như trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ công việc…
Bên cạnh đó phải xem đơn vị nào để xảy ra tình trạng này. Trường hợp đơn vị có cán bộ công chức vi phạm phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu.
Nhìn nhận bao quát hơn, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật và tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức cần đặt trong mối tương quan chặt chẽ.
Theo bà, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nhiều vấn đề, có sự mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, nên cán bộ công chức phải giữ gìn lấy sự an toàn, không ai dám làm những việc pháp luật quy định không rõ ràng, vì khi làm sẽ bị rủi ro pháp lý và thực tế một bộ phận cán bộ đã chịu sự rủi ro pháp lý.
“Nhắm mắt làm, cùng lắm đi tù thì ai chịu rủi ro như vậy?”, bà Luyến đặt vấn đề.
Nữ đại biểu dẫn chứng ngay câu chuyện ở Điện Biên và cho biết địa phương không thể làm, cán bộ công chức không dám làm do Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường có sự xung đột.
Vì sự xung đột này, địa phương không làm được các công trình thủy điện từ 2MW đến dưới 20MW do quy định chưa rõ giao cho cơ quan nào thực hiện việc đánh giá tác động môi trường.
“Đội ngũ cán bộ công chức, UBND tỉnh không dám làm, nếu liều nhắm mắt làm khi có vấn đề xảy ra thì cơ quan thanh tra, điều tra vào, vậy ai dám làm không? Hiện văn bản hướng dẫn Luật Tài nguyên nước 2023 vẫn chưa có sửa đổi, bổ sung nội dung này”, bà Luyến chia sẻ.
Vì vậy, bà cho rằng việc đánh giá cán bộ né tránh trách nhiệm cần nhìn nhận đầy đủ.
Trong đó, nữ đại biểu góp ý cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho rõ ràng, không để hậu quả pháp lý xảy ra.
Đề cập đến Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn quá trình triển khai thi hành.
“Qua thông tin của báo chí thời gian qua, kể cả lãnh đạo các tỉnh cũng nói, tình trạng đùn đẩy, né tránh, không chịu làm, sợ trách nhiệm ngày càng trầm trọng, trong khi đã có Nghị định 73 rồi. Chỗ này cần phải báo cáo Quốc hội”, ông Giang nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/ong-vu-hong-thanh-co-nhung-viec-truoc-day-van-quyet-gio-khong-dam-20240523111248230.htm