Đó là nhận xét của nhà phê bình Bùi Việt Thắng khi đọc cuốn sách Dưới tán hoa siren trên.
Và cuộc “mưu sinh vĩ đại” của những người con đất Việt trên xứ người không chỉ choán toàn bộ tập truyện ngắn, tác giả Nguyễn Đình Lâm nhận là cuốn sách tâm đắc nhất cuộc đời ông cho đến nay, mà còn hiện diện trong các tập truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết trước đó của tác giả này.
1. Dễ hiểu vì sao chủ đề về những thân phận người Việt mưu sinh trên đất Nga lại trùm khắp các tác phẩm của Nguyễn Đình Lâm như vậy.
Ông viết chính những câu chuyện của mình, của bạn bè mình, của những người lao động trong trung tâm thương mại của mình.
Chín năm học tập và hơn 12 năm làm tổng giám đốc một trung tâm thương mại ở nước Nga, quản lý hàng ngàn con người đã cho đôi mắt nhiều thấu cảm của ông nhìn ra bao nhiêu chuyện đời éo le của đồng bào tha hương trên xứ sở bạch dương tuyết trắng.
Tiến sĩ sử học này đã cầm bút viết văn vì món nợ với chính những năm tháng vất vả của mình nơi xứ người và của bạn bè ông, của những người ông biết chứ chẳng phải vì muốn trở thành nhà văn.
Văn ông giản dị, kể chuyện theo trật tự tuyến tính, như cuộc trò chuyện giữa những người thân, tuyệt không dấu vết của dụng công văn chương.
Ấy vậy mà từng trang vẫn cuốn hút người đọc bởi những câu chuyện rất thực hé lộ về số phận nhiều thử thách lẫn đắng cay của rất nhiều người Việt tìm giấc mơ đổi đời trên xứ người trong giai đoạn chuyển đổi nhiều hỗn loạn.
Bạn đọc tìm thấy trong tập truyện ngắn của Nguyễn Đình Lâm câu chuyện của những sinh viên người Việt ở Nga bỏ các kỳ nghỉ hè để về các nông trường lao động nặng nhọc kiếm tiền (truyện Dưới bóng hoa siren), hay mạo hiểm buôn bán để lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị bắt (truyện Chuyến buôn cuối cùng).
Hay thân phận những người buôn bán nhỏ vất vả quanh năm bỗng chốc lâm cảnh nợ nần túng quẫn vì bị lừa hết tiền trong Món nợ ân tình.
Và thương lắm chuyện những cô gái “nhà lành” sang nước ngoài mong được đổi đời nhưng lại bị dòng đời xô đẩy, phải lỡ bước giang hồ trong Mẹ ơi, con xin lỗi…
Người đọc cũng được thấy một cuộc cạnh tranh khốc liệt mà những người Việt buôn bán trên đất Nga phải đối mặt, khiến họ trong phút chốc người này thành đại gia, người kia thành khánh kiệt (Chuyến bay nhớ đời).
Trong cuộc giành tranh cơm áo đầy hỗn loạn ấy, nhiều cảnh đau lòng xảy ra như bị chính người làm thuê phản bội, chiếm đoạt tài sản (Kẻ phản bội)…
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng gọi đó là lối viết “nhúng bút vào sự thật”. Ông Thắng từng có gần 1.000 ngày sống trên đất Nga nên thấm thía từng câu chữ khi đọc truyện Nguyễn Đình Lâm.
2. Chính tính tự sự và ngồn ngộn chất liệu sống này đã làm nên sức hấp dẫn cho văn chương của Nguyễn Đình Lâm.
Bạn đọc không tìm thú vui thưởng thức nghệ thuật văn chương thật cao siêu trong đó, mà tìm những câu chuyện thật về một bộ phận đồng bào mình ở xứ xa xôi mà lâu nay chính người thân cũng không biết rõ, không có cơ hội nhìn thấu những cơ cực.
Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong buổi ra mắt sách đã xúc động bày tỏ cảm ơn nhà văn Nguyễn Đình Lâm đã “mang đến cho văn học thêm một vẻ đẹp, mang cho đời sống thêm một bí mật, cho những kiếp người vất vả gian nan thêm một nguồn động viên”.
Ông bảo nếu không có Nguyễn Đình Lâm ghi lại thì những số phận người Việt ở Nga ấy sẽ trôi đi không ai thấu rõ và sẻ chia.
Với cá nhân ông Thiều, tập truyện giúp ông giật mình nhìn thấy số phận em trai, em dâu và cháu ông những năm tháng ở Nga mà lâu nay ông chỉ nhìn thấy một phía sáng.
“Tôi đọc không cầm được nước mắt với suy nghĩ rằng có thể có em trai mình trong câu chuyện bất trắc ấy, trong nỗi tuyệt vọng ấy, trong nỗi buồn dằng dặc vì nhớ cố hương ấy…
Trước đây tôi chỉ nghĩ em mình ở đó được sống trong một ngôi nhà đẹp, mặc quần áo đẹp, đi xe đẹp, ăn bánh mì ngon… Không ngờ em trai mình chính là một trong những số phận của cuốn sách này”, ông Thiều tâm sự.
Nguồn: https://tuoitre.vn/duoi-tan-hoa-siren-cuoc-muu-sinh-vi-dai-cua-nguoi-viet-tren-dat-nga-2024052310411051.htm