Bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều thay đổi; việc thực hiện các khuyến nghị từ Báo cáo Việt Nam 2035 đến nay còn thiếu hiệu quả… khiến câu hỏi cần làm gì để sau 2 thập kỷ nữa đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao ngày càng trở nên cấp thiết hơn.
Những xu hướng mới
Thông tin tại hội thảo “Báo cáo Việt Nam 2045: Xu hướng kinh tế toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam” diễn ra ngày 21/5, TS. Nguyễn Quốc Trường, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị được giao làm đầu mối triển khai xây dựng Báo cáo) cho biết, Báo cáo Việt Nam 2045 đang trong quá trình xây dựng, sẽ phân tích, cập nhật những xu hướng, diễn biến mới của bối cảnh quốc tế và trong nước, đánh giá thành tựu, hạn chế của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế, huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, tăng cường hội nhập quốc tế, hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Về cơ bản, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế gia công |
Tại hội thảo, TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, đã đưa ra các nhận định về những xu hướng toàn cầu giai đoạn 2025-2030 và triển vọng tới năm 2045 liên quan đến các nhóm vấn đề lớn như: Biến động địa chính trị; xu hướng phát triển công nghệ; xu hướng thương mại, đầu tư; xu hướng nhân khẩu học; những mô hình kinh tế mới; xu hướng chuyển dịch năng lượng.
Đặc biệt, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đẩy nhanh xu hướng hình thành cục diện thế giới đa cực. Tốc độ phát triển công nghệ tăng nhanh do đầu tư lớn, trong nhiều lĩnh vực và thời gian để phát triển, triển khai, hoàn thiện được rút ngắn. “Những tiến bộ về công nghệ sẽ định hình xã hội, kinh tế và cả quyền lực của các nền kinh tế, cũng như có thể tạo ra những đột phá hỗ trợ đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu”, theo TS. Trần Toàn Thắng.
TS. Nguyễn Quốc Trường cho biết, các báo cáo chuyên đề (đầu vào) cho Báo cáo Việt Nam 2045 sẽ hoàn thành trong năm 2024. Báo cáo chính sẽ được công bố vào quý III/2025. Các kết quả trong quá trình nghiên cứu được sử dụng phục vụ cho Văn kiện Đại hội Đảng XIV; Xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2031-2040; Các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; Triển khai thực hiện, điều chỉnh quy hoạch kinh tế – xã hội 2021-2030 sau năm 2025; Xây dựng các quy hoạch phát triển giai đoạn sau 2030. |
Cùng với đó, tăng trưởng thương mại thế giới dù có thể chậm lại trong ngắn hạn nhưng trong trung hạn vẫn có những động lực tăng trưởng mới. Dự báo đến năm 2050, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục bị chi phối bởi 4 khu vực trên thế giới gồm: châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc và châu Á – Thái Bình Dương (hiện đang chiếm 78% nhập khẩu và GDP toàn cầu). Tăng trưởng thương mại đối với hàng hóa xanh (hàng hóa thân thiện với môi trường) dự báo sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới. Đáng lưu ý, xu hướng đầu tư bền vững FDI vào năng lượng tái tạo gia tăng trong những năm gần đây, hiện đã vượt đầu tư mới trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
Thể chế và nội lực là những yếu tố quyết định
Về hàm ý cho Việt Nam, các chuyên gia nhận định, với vị trí địa chiến lược huyết mạch quan trọng, nếu tận dụng tốt những xu hướng này sẽ giúp Việt Nam bứt phá, đạt được các mục tiêu phát triển đã đặt ra.
Tận dụng các cơ hội tích cực, hạn chế các rủi ro từ bên ngoài; Xây dựng, phát triển thể chế phù hợp với tình hình mới; Phân định vai trò của Nhà nước; Pháp luật hóa các chủ trương chính sách và hoàn thiện hệ thống luật pháp; Tạo nền tảng để thúc đẩy khu vực tư nhân… nằm trong số những khuyến nghị mà các chuyên gia dự kiến sẽ đưa ra trong Báo cáo Việt Nam 2045 tới đây.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế – người trước đây từng tham gia vào một phần trong xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 – cho biết: “Nếu tôi nhớ không nhầm thì tại lần rà soát ba năm sau khi triển khai Báo cáo Việt Nam 2035, trong 184 khuyến nghị cụ thể về chính sách thì hầu hết đã được đưa vào các văn bản, các nghị quyết nhưng tỷ lệ thực hiện trên thực tế lại khá thấp. Vì vậy, Ngân hàng Thế giới khi thực hiện báo cáo hàng năm của Việt Nam sau đó đã nhấn mạnh rất nhiều đến việc thực hiện các chính sách, quy định chứ không phải là đề ra những quy định mới”.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, quan sát những năm gần đây qua báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh” và báo cáo PCI đều cho thấy, hệ thống các quy định và thực hiện các quy định dường như càng ngày càng có nhiều vấn đề hơn. “Đấy là điều mà tôi thực sự lo ngại và cho thấy trong bối cảnh hiện nay, chúng ta rất cần quan tâm xây dựng, tạo lập một hệ thống thể chế thực sự kiến tạo cho sự phát triển một cách bền vững. Bản thân thể chế đó phải có tính chất bền vững, ổn định và tiên liệu được mới có thể giúp cho xã hội, người dân, doanh nghiệp phát triển”, bà Lan nói.
Cũng theo bà Phạm Chi Lan, khi nói đến tận dụng ngoại lực, tận dụng nguồn công nghệ của nước ngoài để phát triển thì không thể không nói đến nội lực. “Khi nội lực thực sự không có thì chẳng thể nào thu hút đầu tư nước ngoài và tận dụng đầu tư nước ngoài tốt được. Lưu ý rằng, Việt Nam đến bây giờ về cơ bản vẫn là một nền kinh tế gia công. Nên tôi nghĩ rằng, trong các đánh giá tới đây, để đưa ra những khuyến nghị mới cần nhìn nhận rất nghiêm khắc về vấn đề nội lực”, chuyên gia này cảnh báo.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/xu-huong-kinh-te-toan-cau-va-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam-151888.html