Bảng báo cáo thành tích của Lê Khánh Hải trong năm học 2023-2024 nổi bật với các giải thưởng toán và tin học.
Em đạt giải Bạc vòng quốc gia, giải Đồng vòng quốc tế kỳ thi Olympic tin học HKICO 2023; giải Bạc vòng quốc gia kỳ thi Olympic toán học FMO 2023; giải Bạc vòng quốc gia và giải Đồng vòng quốc tế kỳ thi Olympic toán học TIMO 2024.
Hải cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc với 7/8 môn học đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cả năm trên 9,0. Trong đó, môn tin học đạt 9,4.
Em là 1 trong hơn 800 gương mặt học sinh tiêu biểu của thủ đô được vinh danh ngày 22/5 vừa qua tại Hà Nội.
Điểm khác biệt là, Lê Khánh Hải là học sinh khuyết tật.
Bị giảm trương lực cơ bẩm sinh, Hải khó khăn trong việc đi lại, vận động, tay trái khó cầm nắm, khó phát âm, khó nuốt, khó kiểm soát và tự chủ vệ sinh.
Từ 6 tháng tuổi, Hải phải làm quen với kim châm. Suốt 13 năm, em trải qua nhiều đợt chữa trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có những phương pháp vô cùng đau đớn.
Chị Trần Hạnh Nhân – mẹ của Hải – cho biết, đợt điều trị của Hải cách đây 2 năm ở Phú Thọ, chị không dám đi cùng mà để cho chồng đi. Chị sợ không thể vượt qua được lúc chứng kiến kỹ thuật viên trị liệu cho con.
Còn Hải, ngay từ khi mới biết nhận thức lúc 2-3 tuổi, em đã chủ động hợp tác với y bác sĩ như thể biết rõ mình cần phải làm gì.
Khi đau đớn quá, Hải bật khóc hu hu song chưa từng chống cự hay vùng chạy khỏi giường châm cứu, phòng vật lý trị liệu.
6 tuổi, Hải đi học lớp 1 tại Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn. Nhà cách trường chỉ vài trăm mét nhưng với Hải là một con đường gian nan. Không đếm được số lần em ngã trên con đường ngắn ngủi ấy. Điều may mắn là Hải luôn nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, thầy cô khi đặt chân vào cổng trường.
“Em nhớ những ngày đầu tiên đi học, em đi chưa vững. Bạn chỉ hơi chạm nhẹ cũng ngã. Bước lên, xuống cầu thang với em cũng rất khó khăn, đặc biệt phải cõng chiếc ba lô to nặng sau lưng.
Gần như suốt những năm đầu tiểu học, ngày nào em cũng được cô giáo chủ nhiệm của em là cô Liên hoặc bạn học nào đó mang ba lô giùm.
Em gặp khó khăn ở khoản vệ sinh cá nhân, nên năm lớp 1 em rất sợ. Cô luôn “phái” bạn nào đó đi theo em vì lo em ngã. Dù hơi xấu hổ, em cảm động vô cùng vì sự quan tâm, giúp đỡ của cô và các bạn”, Hải chia sẻ.
Bù đắp cho những khiếm khuyết cơ thể, Hải học tốt, hòa đồng, cởi mở và yêu thích tham gia hoạt động ngoại khóa.
5 năm tiểu học, Hải đều đạt danh hiệu học sinh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Em đạt giải tại nhiều cuộc thi toán, tin học, lập trình qua mạng. Hải cũng không bao giờ vắng mặt trong các hoạt động của trường, lớp, đặc biệt là các cuộc vận động tranh cử cho một chức vụ quan trọng nào đó.
Năm học 2023-2024, Hải trở thành thành viên của Hội đồng trường thông qua bầu chọn công khai.
Tuy vậy, Hải tự nhận bản thân không phải một học sinh chăm chỉ, chưa có quyết tâm cao trong học tập.
“Đôi khi em hơi ỷ lại vào việc mình có khả năng ghi nhớ, nhanh thuộc bài mà nước đến chân mới học, không đặt ra các mục tiêu có tính thử thách hơn. Em đang cố gắng điều chỉnh bản thân để chăm chỉ, kiên trì, kỷ luật hơn vì cũng sắp bước sang năm bản lề của bậc THCS”, Hải nói.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, thầy Phạm Văn Hoan – Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn – cho biết: “Ngoài thành tích học tập xuất sắc, ấn tượng của tôi về Hải là một học sinh tuy khó khăn về vận động nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát và thân thiện.
Con có giọng đọc tốt, thường đảm nhiệm công tác truyền thông trong các giờ chào cờ”.
Thầy Hoan cho biết thêm, trong một môi trường phần lớn là học sinh khuyết tật, chất lượng dạy và học được thầy cô đặt lên hàng đầu bởi đó là cánh cửa để các em bước chân vững vàng vào đời.
“Để các con không tự ti về khiếm khuyết của bản thân và học tập tốt, việc giúp các con vui vẻ, tự tin là vô cùng quan trọng.
Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tạo sân chơi cho các con học sinh. Trong đó, các hoạt động, các trò chơi được thiết kế phù hợp và tinh tế để học sinh bình thường và học sinh khuyết tật đều thấy hạnh phúc.
Ví như trong các cuộc thi đối kháng, các thầy cô luôn để tâm đến từng chi tiết trong luật chơi, cách chơi để bên nào thắng cũng thấy mình xứng đáng, thấy tự hào, không có cảm giác được nhường nhịn, cũng không thấy bị bất công.
Qua các hoạt động đó, học sinh bình thường và học sinh khuyết tật thân thiết nhau, tích cực giúp đỡ nhau.
Không chỉ học sinh bình thường giúp đỡ học sinh khuyết tật mà học sinh khuyết tật cũng giúp đỡ học sinh bình thường trong nhiều lĩnh vực”, thầy Hoan chia sẻ.
“Nhờ được học ở ngôi trường Xã Đàn, em chưa bao giờ cảm thấy bất hạnh, thiệt thòi vì là người khuyết tật”, Lê Khánh Hải tiếp lời thầy Hoan.
Mục tiêu gần của Hải là sẽ thi đỗ vào lớp 10 công lập. Mục tiêu xa hơn là đỗ vào trường đại học Sư phạm, thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo.
Trong bài dự thi cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024, Lê Khánh Hải đã viết:
“Ông trời sinh ra ta, không thể ai ai cũng được hoàn hảo. Có nhiều bạn không thể nghe thấy tiếng chim hót, có bạn lại chẳng thể nhìn thấy ánh mặt trời, có người chẳng thể đặt bàn chân chạm lên mặt đất để đi một bước đi bình thường.
Nhưng có hề hấn gì, chúng ta có thể cảm nhận cuộc sống bằng trái tim yêu thương. Chúng ta có thể lao động bằng trí tuệ và khối óc của mình.
Miễn là chúng ta nỗ lực, chúng ta nhất định sẽ thành công theo cách riêng của mình, để chứng minh rằng dù “tàn nhưng không thể phế””.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nam-sinh-khuyet-tat-gianh-hang-loat-huy-chuong-toan-tin-hoc-quoc-te-20240521235122663.htm