Hôm nay (22/5), Sở GTVT TPHCM phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức lại giao thông quanh khu vực triển khai xây dựng dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức).

Cụ thể, ôtô lưu thông từ đường dẫn cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây bị cấm rẽ phải vào đường Nguyễn Thị Định trong khoảng thời gian từ 6-9h và từ 16-19h.

Lộ trình thay thế: đường dẫn cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây → Đỗ Xuân Hợp → Song hành cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây → Nguyễn Thị Định hoặc Mai Chí Thọ → D1 Khu dân cư Văn Minh → Thân Văn Nhiếp → Nguyễn Thị Định.

Từ 6-22h, Sở GTVT TP cũng cấm đỗ xe trên các tuyến đường Thân Văn Nhiếp, đường D1, đường D2 Khu dân cư Văn Minh. 

Cấm dừng và đỗ xe trên đường D2 (đoạn từ đường D1 đến đến đường Thân Văn Nhiếp nối dài).

Cấm xe tải trên 2,5 tấn lưu thông vào đường Thân Văn Nhiếp và đường D1 trong khoảng thời gian từ 6-22h.

z5428366664334_4e5a7c760bfc89bdc52bdcc33ed82f20.jpg
Đại lộ Mai Chí Thọ qua nút giao An Phú đang triển khai dự án 3.400 tỷ đồng thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Châu Giang

Hôm 15/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban giao thông) đã chiếm dụng một phần mặt đường tại nút giao Đồng Văn Cống – Mai Chí Thọ để thi công các đốt hầm kín thuộc dự án xây dựng nút giao An Phú.

Các xe loại 4-7 chỗ, buýt, xe máy lưu thông trên làn đường hỗn hợp của đại lộ Mai Chí Thọ theo hướng đường Võ Nguyên Giáp về hầm vượt sông Sài Gòn bị cấm rẽ trái từ đại lộ Mai Chí Thọ qua đường Đồng Văn Cống. 

Thay vào đó, ngành chức năng mở nút giao đường D1 khu dân Văn Minh- Mai Chí Thọ, cách giao lộ đường Đồng Văn Cống khoảng 200m. Những loại xe trên được tổ chức quay đầu ở giao lộ Mai Chí Thọ – D1 khu dân Văn Minh để di chuyển vào đường Đồng Văn Cống. Từ đây sẽ đi về hướng đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định…

Cũng nút giao thông An Phú, ô tô di chuyển hướng hầm vượt sông Sài Gòn về đường Võ Nguyên Giáp bị cấm rẽ trái qua tuyến Lương Định Của giúp giảm xung đột giao thông. Những ôtô muốn rẽ trái vào đường Lương Định Của được hướng dẫn chạy thẳng đường Mai Chí Thọ và quay đầu ở đoạn trước cầu vượt B nút giao Cát Lái.

Theo Sở GTVT TPHCM, sau khi tổ chức giao thông với phương án mở nút giao đường D1 khu dân Văn Minh- Mai Chí Thọ đã phát sinh những bất cập giao thông. 

Lượng xe từ đường Nguyễn Thị Định qua các đường Thân Văn Nhiếp, đường D1, D2 khu dân cư Văn Minh rất lớn. Các tuyến đường này lại xảy ra tình trạng đỗ xe dọc hai bên gây cản trở, dẫn đến việc lưu thông khó khăn.

Ngoài ra, tình hình giao thông tại nút giao đường Nguyễn Thị Định- đường Song hành cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây tương đối phức tạp vào giờ cao điểm sáng, chiều. 

Do đó, Sở GTVT TP cùng các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, thống nhất phương án tổ chức lại giao thông như trên để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trong quá trình triển khai thực hiện dự án nút giao An Phú.

An Phú là nút giao lớn nhất TPHCM, kết nối các trục giao thông lớn gồm cao tốc TPHCM- Long Thành – Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, đường Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Đây cũng là cửa ngõ ra vào Cát Lái – cảng lớn nhất nước về sản lượng hàng hóa nên tập trung nhiều xe container qua lại, bình quân hơn 20.000 lượt mỗi ngày.

Từ nhiều năm nay, khu vực này điểm nóng về ùn tắc ở cửa ngõ TPHCM. Để giải quyết tình trên, UBND TPHCM đã phê duyệt và khởi công dự án xây dựng nút giao thông An Phú vào cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng.

Công trình có quy mô ba tầng, gồm hầm chui hai chiều nối cao tốc Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn), rồi tiếp tục kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống. Trên cao, nút giao có hai cầu vượt cho xe rẽ đi các hướng; mặt đất có đảo tròn trung tâm cùng tháp biểu tượng.

Riêng giao lộ Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống, ngoài hầm chui kéo dài qua đây, hai cầu vượt cũng được xây dựng kết nối các tuyến này với nhau. Cầu Giồng Ông Tố hiện hữu trên tuyến Đồng Văn Cống cũng có hai nhánh được xây thêm bên cạnh để tăng diện tích.

Ban Giao thông TPHCM dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành 3 gói thầu gồm cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố và hầm HC1 nhằm giúp giảm áp lực giao thông tại khu vực.

Đến năm 2025 sẽ hoàn thành cơ bản nút giao, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. 

Ùn tắc hàng cây số qua nút giao An Phú trước ngày tổ chức lại giao thôngHàng nghìn xe các loại nối dài trên những trục đường hướng về nút giao An Phú để di chuyển vào cao tốc TP.HCM – Long Thành.