Bấp bênh đầu ra
Canh tác 1,5ha đất vườn trồng dâu da xanh, gần 15 năm qua, giá bán luôn bèo bọt khiến cuộc sống của ông Phạm Văn Tân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) vẫn không khá lên được.
Mặc dù là nhà vườn có thâm niên, việc chăm sóc dâu da xanh cho quả nhiều, chất lượng sẽ không làm khó được lão nông này, thế nhưng, đầu ra bấp bênh, thương lái ép giá khiến đồng lời ông Tân nhận về cũng bị móp méo theo.
“Giá dâu da thương lái thu mua tận vườn chỉ dao động ở mức 16.000 – 19.000 đồng/kg, mức giá này là thấp so với thị trường. Có lần, thương lái còn kì kèo tôi bán với giá 14.000 đồng/kg, giá bán rẻ bèo như thế làm sao mà khá lên nổi”, ông Tân nói.
Tương tự, với 0,6ha đất vườn trồng mãng cầu xiêm là nguồn kinh tế chính của gia đình, ông Nguyễn Văn Tám (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) luôn đau đáu trong lòng mỗi khi đến vụ thu hoạch lại rơi vào cảnh trúng mùa rớt giá, có khi mất mùa lại còn bị thương lái ép giá.
“Vụ nào trúng mùa, giá cao sau khi trừ đi mọi chi phí thì gia đình còn dư được một chút để trang trải cuộc sống. Còn bị ép giá, đầu ra không có sẽ xem như mất trắng”, ông Tám nói.
Tìm cách thích ứng
Đau đáu làm thế nào để không phải rơi vào cảnh bị ép giá, đời sống được khá hơn, ông Tám chủ động tìm cách thích ứng, nghiên cứu, tìm hiểu cách chế biến mãng cầu tươi thành trà mãng cầu để cung ứng cho thị trường.
Theo ông Tám, thời gian đầu, khi mới bắt tay vào thực hiện, ông gặp nhiều khó khăn, thất bại. Thế nhưng, nhớ lại việc quanh năm làm việc vất vả, thu hoạch lại phải bán giá bèo, cuộc sống vẫn không khá hơn thôi thúc ông quyết tâm thực hiện.
“Khi có được những túi trà đầu tiên, được chứng nhận OCOP 3 sao, tôi đăng sản phẩm lên mạng để bán, khi khách biết đến đặt hàng nhiều hơn. Giờ nhà tôi còn thu mua mãng cầu tươi của bà con địa phương để chế biến trà. Mỗi tháng bán được hơn 300kg trà ra thị trường, thu nhập từ 20-30 triệu đồng, cuộc sống ổn định hơn”, ông Tám nói.
Tương tự, tận dụng sự phát triển của mạng xã hội, chị Phạm Thị Ý (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) trở thành “streamer chân đất”, kinh doanh bán sầu riêng trên nền tảng số.
“Thời đại 4.0, mình phải tìm cách để bắt kịp xu hướng, cứ trồng rồi đợi lái đến mua, bị ép giá sẽ không khá nổi. Tôi cứ lên mạng đăng hàng, livestream bán mà không cần thương lái, từ giá bán đến số lượng, mình tự cân nhắc từ đó lợi nhuận cũng ổn hơn”, chị Ý nói.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/nong-san-bap-benh-nong-dan-tu-livestream-tim-dau-ra-1342746.ldo