Nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Sở TN&MT tỉnh Bình Định đã hoàn thành 05/22 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 kế hoạch năm, đồng thời thực hiện 135/150 nhiệm vụ thường xuyên UBND tỉnh giao (các nhiệm vụ còn lại đang trong thời hạn xử lý). Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, hồ sơ trực tuyến đạt 72,7% (chỉ tiêu tỉnh giao 60%); thanh toán trực tuyến đạt 78,3% (chỉ tiêu tỉnh giao 55%); số hóa thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 98,8% (chỉ tiêu tỉnh giao 90%). Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực đô thị đạt 89,12% (chỉ tiêu đặt ra 90 – 95%).
Cùng với đó, hoàn thành việc thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của 11 huyện, thị xã, thành phố và tham mưu UBND tỉnh trình Bộ TN&MT thẩm định Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) của tỉnh,… Qua đó, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường của tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ nét, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trước những kết quả tích cực trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức người lao động của Sở TN&MT trong việc đóng góp sự phát triển của tỉnh trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như, công tác triển khai một số nhiệm vụ đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, khoáng sản còn chậm; một số đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đúng quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tại các khu vực, đặc biệt ở nông thôn còn thấp; công tác quản lý môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, nước thải đô thị, môi trường chăn nuôi còn hạn chế,…
Chú trọng công tác quản lý khoáng sản
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Sở TN&MT chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, phối hợp với cơ quan tư pháp đề xuất xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo định pháp luật; đề xuất UBND tỉnh thu hồi các dự án khai thác khoáng sản vi phạm các quy định; gây suy thoái môi trường, các dự án hết thời hạn; các dự án không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (nợ tiền ký quỹ, cấp quyền, tiền thuế các loại…) theo quy định pháp luật hiện hành; đồng thời, không xem xét, đề xuất cấp phép khai thác khoáng sản, gia hạn giấy phép cho các trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan có văn bản thông báo, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo tải trọng trong quá trình vận chuyển khoáng sản và thời gian khai thác; nghiêm túc triển khai việc lắp đặt trạm cân theo dõi tải trọng, camera giám sát để kết nối với các cơ quan liên quan và UBND cấp huyện, xã nơi có mỏ để theo dõi, quản lý theo quy định. Nghiêm túc thực hiện công tác thống kê – kiểm kê trữ lượng khoáng sản; định kỳ hàng tháng, phải thống kê, tính toán, cập nhật số liệu trong sổ sách, tài liệu để khai báo sản lượng tính thuế tài nguyên khoáng sản và xác định sản lượng khai thác hàng năm trong báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản để gửi Cơ quan thuế theo quy định của pháp luật,… Xử lý nghiêm, kiên quyết đối các trường hợp chây ỳ, không tuân thủ các nội dung nêu trên theo quy định pháp luật hiện hành.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu Tổ kiểm tra hoạt động khai thác cát lòng sông trên địa bàn tỉnh khẩn trương đối chiếu, rà soát trữ lượng đã cấp phép, diện tích, chiều sâu khai thác… kể cả các thống tin phản ánh trên các phương tiện truyền thống đối với các hoạt động khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hiện hành; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh trong tháng 5/2024.
Sở TN&MT cần tăng cường áp dụng công nghệ, ứng dụng số để kiểm tra, giám sát từ xa trong công tác hậu kiểm; chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành chức năng khẩn trương hoàn thiện hệ thống giám sát khai thác khoáng sản lắp camera (có khả năng đếm, kiểm soát và thống kê số lượt xe; tổng hợp khối lượng khai thác…) được kết nối từ các khu vực khai thác đến cơ quan chức năng và UBND cấp huyện, xã nhằm phục vụ công tác quản lý, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác vượt công suất, không đúng vị trí, diện tích và thời gian quy định.
Đối với công tác bảo vệ môi trường, ông Phạm Anh Tuấn giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp khẩn trương đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo đồng bộ hệ thống thu gom nước thải (bao gồm cả nước thải sản xuất và sinh hoạt), tách riêng với hệ thống thu gom và thoát nước mưa theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trường hợp các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp thực hiện không đảm bảo theo quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường; tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh.
Sở TN&MT xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý một số điểm nóng cục bộ về môi trường; đồng thời, chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại địa bàn nông thôn, các làng nghề thuộc phạm vi quản lý, nhất là tại các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/binh-dinh-nganh-tn-mt-dong-gop-quan-trong-trong-su-phat-trien-cua-tinh-374404.html