(Dân trí) – Tính đến nay có khoảng 100.000m3 cát được đưa về dự án thành phần 2 (đoạn Cần Thơ) thuộc cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Nguồn cát được phân bổ liên tục, nhà thầu phấn khởi gấp rút thi công.
Tại cầu Thị Đội (xã Đông Bình, huyện Thới Lai, Cần Thơ) thuộc gói thầu số 13 của dự án thành phần 2 trong tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, mỗi ngày có hàng chục công nhân, kỹ sư chia 3 ca thi công ráo riết đưa cao tốc sớm về đích.
Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng “đua” tốc độ để sớm về đích (Video: Bảo Kỳ).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đặng Hoàng Vĩnh, Giám đốc Quản lý dự án, Ban điều hành cao tốc thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, chủ đầu tư dự án thành phần 2, cho biết từ lúc khởi công (ngày 17/6/2023) đến ngày 10/4/2024, mỏ cát mới được bàn giao cho nhà thầu thi công.
Hơn một tháng nay, trên 37km công trình thuộc dự án thành phần 2 các gói thầu tất bật triển khai.
Nhà thầu huy động nhiều trang thiết bị máy móc như trạm trộn bê tông, xe lu, xe ủi, máy đóng cọc… triển khai đồng loạt các mũi thi công cầu và đường.
Ông Trương Vũ Thắng, Chỉ huy Trưởng gói thầu số 13, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương cho biết, khối lượng thi công của gói thầu gồm 8km cầu và đường, trong đó trên tuyến có 6 cây cầu.
“Từ lúc triển khai các hạng mục đến thời điểm hiện tại trên công trường lúc nào cũng có khoảng 50 kỹ sư, công nhân tích cực làm việc liên tục dưới thời tiết thất thường lúc nắng, lúc mưa để đẩy nhanh tiến độ”, ông Thắng nói.
Ông Huỳnh Công Thảo (50 tuổi, quê Bạc Liêu) gắn bó với công trình nhiều tháng nay cho biết, ông đang phụ trách thi công phần móng cầu. Công việc bắt đầu từ 7h đến 11h, buổi chiều từ 13h đến 17h.
“Dạo gần đây, thời tiết nắng mưa thất thường. Khối lượng công việc nhiều nhưng tôi cùng các anh, em công nhân vẫn động viên nhau cố gắng lao động để đẩy nhanh tiến độ cho nhà thầu vì đây là công trình trọng điểm của Cần Thơ cũng như của khu vực ĐBSCL. Bản thân tôi lần đầu được làm việc ở dự án lớn như thế này nên rất tự hào”, ông Thảo bày tỏ.
Nhân công nối ống chuẩn bị cho công tác bơm cát đắp nền, làm đường công vụ…
Từ khi có cát về công trường, nhân lực, vật lực được tăng cường để đảm bảo tiến độ thi công.
Theo chủ đầu tư dự án thành phần 2, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn Cần Thơ đang sử dụng nguồn cát ở xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, An Giang). Ngày 10/4, mỏ cát được khởi công và bàn giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Định An (nhà thầu thi công dự án) khai thác phục vụ thi công gói thầu xây lắp của dự án.
Tổng khối lượng được phép khai thác từ mỏ Bình Phước Xuân trong thời gian 1 năm 8 tháng 23 ngày khoảng 3,3 triệu m3. Trong đó, năm đầu tiên khai thác gần 1,9 triệu m3 và năm thứ hai (8 tháng 23 ngày) là gần 1,4 triệu m3.
Xáng cạp múc cát lên sà lan rồi được đo lường, thống kê trọng lượng theo đúng quy trình, thủ tục rồi mới bàn giao cho nhà thầu thi công.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Thanh Liêm, Quản lý điều hành mỏ cát Bình Phước Xuân cho biết, tại mỏ có 4 xáng cạp hoạt động, công suất 5.000m3/ngày. Thời gian khai thác mỏ từ 7h đến 17h. Quá trình khai thác cát rất nghiêm ngặt luôn có sự kiểm soát, giám sát của ngành chức năng.
Ngoài ra, tại khu vực khai thác bố trí hệ thống camera giám sát toàn bộ hoạt động khai thác cát. Mỗi sà lan đều được gắn định vị để kiểm soát quá trình di chuyển, đảm bảo “không một tàu cát nào đi lạc”.
Bên cạnh việc khai thác cát, nhà thầu thi công còn phải cải tạo, phục hồi môi trường như gia cố đoạn đường bị sạt lở khu vực phía bờ phải thuộc xã Bình Phước Xuân. Trong quá trình khai thác, thực hiện giám sát diễn biến sạt lở thường xuyên, trường hợp có hiện tượng sạt lở bờ sông phải dừng ngay hoạt động khai thác và có biện pháp khắc phục; chỉ được tiến hành khai thác lại sau khi đã khắc phục xong sự cố.
Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng), với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.
Trong đó, Dự án thành phần 2 (Cần Thơ) dài hơn 37km, tổng vốn 9.845 tỷ đồng. Nhu cầu thi công của dự án cần 7 triệu m3 cát, mỏ cát ở An Giang cung cấp khoảng 2,4 triệu m3, còn thiếu 4,6 triệu m3, số lượng này sẽ bù đắp bằng cát biển.
Trước đó, ngày 12/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra cao tốc. Tại đây, Thủ tướng yêu cầu Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân, giải thích, đáp ứng quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân bị ảnh hưởng; hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 5.
Bảo Kỳ – Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/cao-toc-chau-doc-can-tho-soc-trang-gap-rut-thi-cong-khi-cat-ve-20240520215901803.htm