Trên bến dưới thuyền
Chợ Cai Lậy xưa gọi là Thanh Sơn, cũng là tên làng Thanh Sơn, do vợ chồng ông Huỳnh Tấn Chiêu lập vào cuối thế kỷ 18, hiện còn bài vị thờ ở đình Bang Lãnh. Nguyên thủy, chợ nằm giữa khu vực đình Bang Lãnh và miếu Bảy Bà. Ban đầu, chợ chỉ là một ngôi nhà tre lá, xung quanh phố xá sơ sài, tọa lạc ở đầu giồng Cai Lễ. Cây da trước miếu Bảy Bà hiện nay chính là chồi rễ của cây da mà người xưa trồng để tạo bóng mát nơi họp chợ. Cai Lễ là tên của nhân vật được biết là Cai cơ Ngô Tấn Lễ. Chữ Cai Lậy cũng từ Cai Lễ bị “nói trại” mà thành.
Từ khi có kinh Bà Bèo (khoảng năm 1785) và đường thiên lý (1792), chợ Cai Lậy bắt đầu sung túc. Bấy giờ, từ Gia Định đi các tỉnh miền tây Nam kỳ dù đi đường bộ hay đường thủy đều phải qua chợ Thanh Sơn. Vì vậy, khu chợ này lúc nào cũng trên bến dưới thuyền, đông vui tấp nập. Sách Gia Định thành thông chí mô tả: “Thanh Sơn, tục gọi Cai Lậy, phố chợ liền nhau, ghe thuyền lũ lượt, làm nơi tụ hội đông đúc…”.
Thời Minh Mạng, tại thôn Mỹ Trang (nay thuộc TX.Cai Lậy, Tiền Giang) có đồn lũy khá quy mô do Tiền quân Tôn Thất Hội đắp. Sau năm 1838, đồn lũy này được trùng tu làm lỵ sở huyện Kiến Đăng, dân gian gọi là Bờ Đồn. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Lũy đắp bằng đất, cao 4 thước, có 2 cửa, hào chu vi 66 trượng, sâu 2 thước, có lũy tre bao bọc, ở địa phận thôn Mỹ Trang”. Ngoài ra, ở khu vực gần chợ Cai Lậy, thuộc làng Hòa Sơn, còn có một đồn nhỏ bảo vệ đồn Mỹ Trang, gọi là bảo Hòa Sơn. Năm 1863, thực dân Pháp phá hủy bảo Hòa Sơn sau khi chiếm Định Tường.
Năm 1871, Cai Lậy được chính quyền thực dân Pháp chọn làm tên đơn vị hành chính. Bấy giờ, họ cho cất một dinh tham biện nhỏ. Phía sau dinh tham biện là đồn lính, bên ngoài bố trí hàng rào bằng gỗ ken khít. Kể từ đó, Cai Lậy trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của địa phương và tên chợ Thanh Sơn không còn.
Gần cuối thế kỷ 19, Cai Lậy là nơi dấy lên nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Điển hình là cuộc khởi nghĩa của Bốn Ông Nguyễn Thanh Long, Trần Công Thận, Trương Văn Rộng và Ngô Tấn Đước vào năm 1868, gọi là cuộc khởi nghĩa Tứ Kiệt. Đêm 24.12.1870, nghĩa quân Tứ Kiệt đã bất ngờ tấn công dinh tham biện, đốt chợ Cai Lậy. Sau đó, thực dân Pháp xua quân đàn áp, bắt được Bốn Ông. Khoảng năm 1918, chợ Cai Lậy được dời về địa điểm mới cạnh sông Ba Rày và gần dinh quận Cai Lậy. Đó cũng là nơi Pháp dùng làm pháp trường hành quyết Bốn Ông ngày 14.2.1871 (25 tháng Chạp năm Canh Ngọ), ngay vị trí chợ cá Cai Lậy sau này.
Từ khi “Tứ Kiệt qui thần”, người dân địa phương quan niệm lúc sinh tiền Bốn Ông thường hay dùng hỏa công đánh giặc thì lúc hy sinh phải thành thần bảo vệ đồng bào chống hỏa hoạn. Vì vậy, hằng năm vào ngày rằm và 16 tháng giêng âm lịch, người dân xung quanh chợ Cai Lậy có lệ cúng tế Tứ Kiệt và tiễn bà Hỏa, đồng thời dùng một chiếc kiệu sơn son thếp vàng rước lư hương thờ Bốn Ông đi khắp chợ.
Đèn treo xa vách
Sau khi có dinh tham biện, Pháp cho xây gần chợ Cai Lậy một trường sơ học, một nhà dây thép. Năm 1911, Cai Lậy có “trạm xá y tế” và “nhà bảo sản” đầu tiên, đến năm 1918 xuất hiện thêm tiệm cầm đồ. Năm 1921, lộ Đông Dương (sau đổi tên QL4 và bây giờ là QL1) xuyên qua phố chợ Cai Lậy được trải đá nên thời đó người dân gọi là “lộ đá”. Ngày 24.10.1925, cầu đúc Cai Lậy được khởi công xây dựng. Đây cũng là lý do chợ Cai Lậy được dời từ đình Bang Lãnh về địa điểm mới. Năm 1935, Cai Lậy có thêm một công trình nữa là “chi cục cấp thủy”.
Từ thập niên 1960, chợ Cai Lậy trở thành trung tâm mua bán sầm uất của khu vực, là nơi trung chuyển hàng hóa từ Sài Gòn – Chợ Lớn đến vùng Thiên Hộ, Tháp Mười, Cao Lãnh, Kiến Tường, bằng đường thủy. Thêm nhiều công trình được xây dựng xung quanh chợ Cai Lậy như trường trung học Đốc Binh Kiều, trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến, trường bán công Tứ Kiệt…
Nhà lồng chợ Cai Lậy xưa và phố xá xung quanh chợ chủ yếu là mái lá, vách ván. Thời đó chưa có điện nên ban đêm mọi nhà đều đốt đèn dầu. Khu vực quanh chợ có treo đèn quản hạt cũng đốt bằng dầu. Vì vậy, để đề phòng hỏa hoạn, mỗi chạng vạng tối có ông cai thị [quản lý chợ] vừa đi châm dầu, đốt đèn đường vừa gõ mõ: “Đèn treo xa vách, nước xách đầy ghè, tiền để rương xe, trước khi đi ngủ”.
Đề phòng vậy nhưng chợ vẫn bị cháy. Năm 1985, một lần nữa chợ Cai Lậy được dời tới địa điểm mới gần bờ sông Ba Rày và sát chân cầu Cai Lậy. Đêm giao thừa 31.12.2000, ngôi chợ này xảy ra hỏa hoạn và thiêu rụi toàn bộ hàng hóa của 135 hộ mua bán tại chợ. Năm 2006, chính quyền khởi công xây chợ Cai Lậy mới ở địa điểm mới trên diện tích hơn 24.000 m2 và đưa vào sử dụng từ năm 2009 đến nay. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-ngoi-cho-doc-dao-thanh-son-cho-cai-lay-xua-185240519233032133.htm