Rất ít quốc gia đấu thầu vàng
Trao đổi với Thanh Niên xung quanh câu chuyện đấu thầu vàng nhằm kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng T.Ư Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, cho biết đấu thầu vàng rất ít xảy ra ở các nước khác.
“Khi nói tới đấu thầu, tôi hiểu là ngân hàng T.Ư đấu thầu để cung cấp vàng trực tiếp ra thị trường. Một số nước, ngân hàng T.Ư có bán vàng nhưng dưới dạng vàng xu. Ví dụ, nhân dịp đặc biệt nào đó, họ sẽ dập biểu tượng đặc biệt trên xu và phát hành ra bên ngoài dưới hình thức bán xu.
Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế có xảy ra ở các nước khác. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch không cao như ở Việt Nam nên chính phủ các nước cũng không can thiệp nhiều như ở Việt Nam để có thể thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá”, ông Shaokai Fan nhấn mạnh.
Ông Shaokai Fan nhắc tới trường hợp đấu thầu vàng hiếm hoi tại Thổ Nhĩ Kỳ, xảy ra vào tháng 3, tháng 4.2023 khi Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc bầu cử tổng thống. Xuất phát từ lo ngại đồng nội tệ mất giá, nhu cầu vàng tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng đột biến từ các nhà đầu tư tư nhân. Ngân hàng T.Ư Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định bán vàng ra thị trường bằng cách sử dụng số vàng dự trữ, sau đó lại mua bổ sung kho dự trữ số vàng đã bán ra.
Trước câu hỏi các quốc gia thường tăng nguồn cung vàng trên thị trường bằng cách nào, ông Shaokai Fan chia sẻ: nhìn chung chỉ có 2 cách, một là tăng cung trong nước và hai là nhập khẩu. Tăng cung trong nước có 2 cách là đẩy mạnh khai thác vàng và khuyến khích người dân bán vàng ra thị trường.
4 nhân tố tác động tới giá vàng thời gian tới
Về hình thức mua bán vàng ở các nước, ông Shaokai Fan thông tin thêm, hầu hết các quốc gia yêu cầu bên bán hoặc bên mua phải chứng minh họ đã đáp ứng một số điều kiện nhất định để có thể thực hiện các giao dịch vàng.
Đầu tiên phải trải qua kiểm tra phòng, chống rửa tiền, hoặc thẩm định khách hàng, hoặc kiểm tra nhân thân của người mua và người bán.
“Một trong những cách để có thể đảm bảo uy tín cho bên mua và bên bán là thông qua tài khoản ngân hàng. Vì vậy, theo phương thức mặc định, nhiều quốc gia không sử dụng tiền mặt để mua vàng mà thường giao dịch thông qua các tài khoản”, ông Shaokai Fan nói.
Ở góc độ giá vàng, đề cập các nhân tố chính sẽ tác động mạnh mẽ tới giá vàng thời gian tới, theo ông Shaokai Fan, nhân tố đầu tiên là chính sách tiền tệ của ngân hàng T.Ư, cụ thể là từ Mỹ.
Điều này liên quan đến các động thái về cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Tới đây, sớm hay muộn họ cũng sẽ phải cắt giảm lãi suất, vấn đề là họ cắt giảm đến đâu. Đây sẽ là một trong những nhân tố chính tác động đến giá vàng.
Nhân tố thứ hai là những diễn biến về mặt chính trị. Năm nay sẽ có rất nhiều cuộc bầu cử quan trọng diễn ra. Dĩ nhiên, quan trọng nhất là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
“Giả sử, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà có thay đổi về mặt chính quyền, rõ ràng chính sách tiếp theo của Mỹ thế nào sẽ kém rõ ràng hơn. Rất nhiều nhà đầu tư hiện nay đã gia tăng mua vàng để dự phòng, phòng ngừa rủi ro trước những sự không rõ ràng về mặt chính sách trong thời gian tới”, ông Shaokai Fan nói.
Nhân tố thứ ba là bối cảnh chung về các rủi ro trên thế giới. Hiện nay, một số cuộc chiến đang diễn ra, câu hỏi đặt ra là liệu các cuộc chiến tranh vũ trang này có trở nên tồi tệ hơn không. Nó có thể sẽ “leo thang”, dẫn đến bất ổn định chính trị ở nhiều nơi trên thế giới.
“Hội đồng Vàng thế giới không dự báo về giá vàng. Tuy nhiên, theo xu hướng hiện nay, khi nhu cầu về vàng tiếp tục mạnh, đó cũng là nhân tố ảnh hưởng đến giá vàng trong thời gian tới”, ông Shaokai Fan nhấn mạnh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cac-nuoc-co-dau-thau-vang-de-tang-cung-nhu-viet-nam-185240520202654819.htm