Thủ môn sinh năm 1991 dính chấn thương vùng đầu sau tình huống va chạm trong hiệp 1. Anh bị mất trí nhớ tạm thời, quên hết diễn biến xảy ra trong 5 phút trước va chạm và sau khi đội ngũ y tế xem xét tình hình, Đình Triệu tiếp tục thi đấu. Sang hiệp 2 Đình Triệu mới rời sân, sau khi không thể đáp ứng điều kiện thi đấu.
Chuyện Đình Triệu tiếp tục thi đấu dù bị đau ở vùng đầu cho thấy khát vọng cống hiến của cầu thủ. Thủ môn của đội Hải Phòng đã bắt 18 trận từ đầu giải. 3 mùa gần nhất tại V-League, anh chỉ bỏ lỡ 6 trận của CLB. Đình Triệu góp công lớn trong thành công của đội bóng đất cảng (vẫn đang cạnh tranh một suất tốp 3) và có cảm giác bóng, kinh nghiệm lẫn đẳng cấp đều vượt trội so với thủ môn dự bị Nguyễn Văn Toản. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao Đình Triệu chia sẻ rằng anh ý thức được những gì mình làm và tiếc nuối khi không thể tiếp tục thi đấu trọn trận.
Khi gặp chấn thương trong trận đấu, không ít cầu thủ sẽ lựa chọn nén đau thi đấu bởi “máu nghề”. Họ thường chỉ rời sân khi không thể cố thêm hoặc nghe tham vấn của đội ngũ y tế. Tuy nhiên, vết đau mà Đình Triệu gặp phải là một dạng tổn thương đặc biệt. Đó là chấn thương vùng đầu có ảnh hưởng đến não bộ, thể hiện ở việc mất trí nhớ tạm thời. Y học thể thao gọi đây là rung chấn não bộ (concussion).
Khác với những chấn thương cơ học ở bắp đùi, mắt cá hay đầu gối… rung chấn não bộ rất đặc thù. Đây là chấn thương không mang tới cảm giác đau đớn rõ ràng về mặt vật lý, nên nhiều cầu thủ (và đôi khi cả đội ngũ y tế) không ý thức được hết những rủi ro nó mang lại. Nhiều nền bóng đá trên thế giới đã khuyến cáo: cầu thủ dính chấn thương ảnh hưởng đến não bộ cần lập tức rời sân để bác sĩ chẩn đoán trong ít nhất 24 giờ, nếu nghiêm trọng hơn cần chụp CT cắt lớp để kiểm tra tình trạng tổn thương não. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, người có 30 năm cống hiến cho y học thể thao VN, khẳng định: “Gặp chấn thương dẫn đến mất trí nhớ, cầu thủ phải rời sân ngay để bác sĩ theo dõi, rồi sau đó chụp chiếu để kiểm tra, đánh giá tình hình”.
Thủ môn Đình Triệu đã tỉnh táo trở lại sau chấn thương, không còn triệu chứng chuột rút toàn thân. Anh trấn an người hâm mộ và tếu táo chia sẻ: “Về sức khỏe hiện tại thì tôi đã hoàn toàn ổn định rồi. Nếu ai muốn kiểm tra thì ra sân Lạch Tray chạy 100 m với tôi, ổn luôn”. Dù vậy, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền cho rằng nếu cầu thủ vừa trải qua chấn thương vùng đầu muốn trở lại, cần tuân thủ quy định điều trị, hồi phục rất rõ ràng. Với chấn thương đặc thù, cần có cách điều trị đặc thù.
Vòng đấu tới, CLB Hải Phòng sẽ làm khách trên sân đội đầu bảng Nam Định (18 giờ ngày 22.5). Dù cầu thủ nào cũng nóng lòng muốn thi đấu, hay có thể cảm thông cho các đội luôn muốn sử dụng con người tốt nhất bởi áp lực thành tích, song sức khỏe cầu thủ luôn phải được đặt lên hàng đầu. Đó là tài sản quý giá mà các đội cần trân trọng!
Nguồn: https://thanhnien.vn/dung-mao-hiem-voi-suc-khoe-cau-thu-18524051922232644.htm