Tham dự hội thảo có hơn 200 hội viên Câu lạc bộ Thăng Long nguyên là các cán bộ và chuyên gia cao cấp trong nhiều lĩnh vực hoạt động của Đảng, Nhà nước và địa phương. Hơn 145 tham luận và phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã thống nhất và tập trung khẳng định sự cần thiết, các thành công, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp, gợi ý thiết thực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Nhiều tham luận viết tay dài hàng chục trang của các cán bộ hơn 80-90 tuổi cho thấy tâm huyết, trách nhiệm và sự đồng thuận cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Để đẩy mạnh chống tham nhũng, nhiều ý kiến đề nghị cần tiến hành đồng bộ hệ thống các giải pháp, phải dựa vào nhân dân, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; bịt những lỗ hổng, kẽ hở trong hoạch định và thực thi chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, của báo chí-truyền thông; tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn “nhóm lợi ích” với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, kể cả không có “vùng nương nhẹ” trong xử lý, bất kể người đó là ai.
Đặc biệt, nhiều ý kiến tại hội thảo đồng tình và nhấn mạnh, báo chí ở nước ta có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, song cũng cần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng ngay trong hoạt động báo chí để tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả báo chí trong cuộc chiến với tệ nạn tham nhũng…
Trong số nhiều hiện tượng tiêu cực, lạm dụng nghiệp vụ trục lợi trong làng báo, nổi lên hai nhóm vấn đề cần tập trung xử lý: Vấn đề báo chí “bảo kê”, thông tin thiên vị và vấn đề báo chí đánh hội đồng, làm tiền, nhũng nhiễu doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân…
Trên thực tế, có một số phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí liên kết thành từng nhóm đã vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, đưa thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương. Việc này nhằm gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính. Hiện tượng này có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm gần Tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn.
Dù núp dưới bất kỳ hình thức nào, thì hiện tượng tham nhũng trong báo chí đều có chung bản chất gian dối thông tin và lạm dụng quyền lực, dùng thông tin chất lượng thấp, được xử lý qua lăng kính lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lối tư duy nhiệm kỳ và trách nhiệm xã hội thấp, cố tình đề cao quá mức cái không đáng đề cao và che giấu những sự thật cần đưa ra ánh sáng, làm nhiễu loạn thông tin, dung dưỡng cái xấu, khiến nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội rơi vào “im lặng đáng sợ”…; Vì vậy, ở góc độ nào đó có thể xếp hạng và phải đối xử với hiện tượng bảo kê, lạm dụng quyền lực trong báo chí cũng như với hiện tượng lạm dụng quyền lực-tham nhũng trong các lĩnh vực khác…
Tăng cường tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong số các nguyên nhân của hiện tượng đó, phải kể đến nguyên nhân về kẽ hở luật pháp quốc gia liên quan đến quản lý nhà nước về hoạt động báo chí; những bất cập, sự tùy tiện và lạm dụng trong quy định, quy trình xuất bản nội bộ cơ quan báo chí; chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhất là sai lệch nhận thức chính trị, méo mó đạo đức nghề nghiệp và yếu kém trong bản lĩnh đối diện với các vấn đề cơm áo gạo tiền của cá nhân và đơn vị, đặc biệt là của người đứng đầu…
Để chấn chỉnh hiện tượng này, Hội Nhà báo Việt Nam trong Thông báo số 01/ CV-HĐXL ngày 9/1/2024 đã chính thức đề nghị Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố; các liên chi hội và chi hội trực thuộc thực hiện một số công tác sau:
– Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cho đội ngũ người làm báo;
– Rà soát và quản lý chặt chẽ, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đội ngũ phóng viên nhất là phóng viên thường trú, cộng tác viên tại các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
– Rà soát và quản lý chặt chẽ việc sử dụng thẻ nhà báo, thẻ hội viên, giấy giới thiệu cấp cho cán bộ, phóng viên;
– Khẩn trương rà soát, thành lập, kiện toàn Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp theo quy định;
– Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Cần nhấn mạnh rằng, trong đời sống kinh tế-chính trị-xã hội, báo chí giữ một vai trò ngày càng quan trọng trong việc truyền tải thông tin, tuyên truyền tác động vào tư tưởng, tình cảm, tạo ra những nhận thức mới, những định hướng giá trị và thái độ sống tích cực, có trách nhiệm và những quyết sách quan trọng cho cuộc sống; trở thành cầu nối và một yếu tố trong việc quản lý các quá trình kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Chất lượng và hiệu quả hoạt động báo chí ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả của việc giải quyết các nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực khác nhau theo yêu cầu phát triển bền vững và tạo lập các giá trị xã hội lành mạnh.
Nguồn: https://nhandan.vn/tang-cuong-vai-tro-bao-chi-chong-tham-nhung-va-chong-tham-nhung-trong-bao-chi-post808538.html