Bộ Giáo dục Malaysia (MOE) vừa công bố một số sáng kiến nhằm nâng cao năng lực giáo viên về công nghệ số. Theo đó, MOE mở các khóa học nâng cao năng lực công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), với khoản phân bổ 1 triệu ringgit (RM, khoảng 213.584 USD) nhắm tới 500 giáo viên được chọn trên toàn quốc.
MOE sẽ hợp tác với chuyên gia của Apple tại Malaysia để đào tạo và hướng dẫn 100.000 giáo viên. Tốt nghiệp khóa học, những giáo viên này sẽ được chứng nhận là chuyên gia kỹ thuật số của Bộ Giáo dục. Nhằm đảm bảo sức khỏe tinh thần cho giáo viên, MOE cũng công bố 2 giải thưởng trị giá 10.000 RM. Ngoài ra, MOE cũng đã mời các đối tác chiến lược tham gia vào việc tổ chức kỳ nghỉ cho giáo viên. Theo MOE, chỉ số hạnh phúc của giáo viên là thước đo hệ sinh thái tổng thể của các nhà giáo dục, đồng thời MOE hy vọng vấn đề phúc lợi của giáo viên có thể được nâng cao theo thời gian.
Cùng với chủ trương của MOE về công nghệ, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết, chính phủ đặt mục tiêu cung cấp cho mỗi học sinh một máy tính bảng để hỗ trợ việc học tập trong kỷ nguyên số. Theo ông Hamidi, mặc dù có những hạn chế về tài chính, chính phủ sẽ cố gắng thực hiện sáng kiến này theo từng giai đoạn, dự kiến sẽ bắt đầu từ năm học mới trong năm nay.
Ông Hamidi nhấn mạnh, phương pháp học tập thông qua các thiết bị mới này là tất yếu và việc cung cấp máy tính bảng cho học sinh là điều nên làm, ngay cả khi có những hạn chế về tài chính. Hiện nay, hệ thống đã có, phương pháp sư phạm đã có, chỉ có máy tính bảng là hạn chế. Vì vậy, nếu chương trình có thể được thực hiện theo từng giai đoạn bắt đầu từ năm nay, trong vòng 4 đến 5 năm tới, phần lớn học sinh Malaysia sẽ được trang bị đầy đủ.
Đề cập đến những khó khăn về kết nối internet, Phó Thủ tướng Malaysia cho biết, chính phủ sẽ đảm bảo phủ sóng internet đầy đủ ở các khu vực, làng mạc và vùng sâu vùng xa có mật độ dân cư thấp để tạo điều kiện học tập trực tuyến cho học sinh.
Theo ông Kumar, chuyên gia giáo dục nổi tiếng của Malaysia, trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật số, muốn xây dựng các lớp học hiện đại sinh động với các bài thuyết trình kỹ thuật số, phòng thí nghiệm ảo và tài nguyên trực tuyến cần tốn kém nhiều chi phí. Giải pháp là sử dụng dịch vụ cho thuê thiết bị công nghệ thông tin nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính trong giai đoạn đầu tư ban đầu. Các trường học có thể phân bổ ngân sách hiệu quả hơn, trả tiền cho công nghệ khi sử dụng. Mô hình chi tiêu này giúp những chi phí khổng lồ thành những chi phí nhỏ hơn, có thể quản lý được; cho phép các tổ chức phân bổ kinh phí cho các nhu cầu giáo dục cấp bách khác. Các tổ chức giáo dục có thể tùy chỉnh kế hoạch cho thuê và tăng hoặc giảm quy mô dịch vụ dựa trên từng yêu cầu cụ thể.
Tại Malaysia, ở các khu vực có mật độ dân cư cao, mức độ bao phủ internet đã đạt 87,5% và dự kiến đến cuối năm nay, tỷ lệ này sẽ đạt 99%. Giai đoạn tiếp theo sẽ được thực hiện ở các khu vực có mật độ dân cư thấp, như các làng truyền thống và khu vực có người thiểu số sinh sống.
KHÁNH MINH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/giao-duc-malaysia-huong-toi-cong-nghe-hoa-post740426.html