Theo một kết quả nghiên cứu mới đây, sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái được tìm thấy trong các đạo luật gia đình trên khắp châu Phi.
Sự bất bình đẳng giới trong luật gia đình khiến phụ nữ và trẻ em gái châu Phi trở nên lệ thuộc và dễ bị tổn thương hơn do bị hạn chế các cơ hội kinh tế và khả năng ra quyết định. (Nguồn: African Business) |
Đó là kết quả của nghiên cứu mang tên Bất bình đẳng giới trong luật gia đình ở châu Phi: Tổng quan về xu hướng chính ở một số quốc gia chọn lọc của Equality Now – một tổ chức phi chính phủ thành lập năm 1992 nhằm ủng hộ việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Nghiên cứu dựa trên phân tích các khuôn khổ pháp lý tại 20 quốc gia châu Phi. Kết quả cho thấy bất bình đẳng giới trong hôn nhân, ly hôn, quyền nuôi con và tài sản vẫn đang được thể chế hóa trong các hệ thống pháp luật và luật tục.
Trong đó chỉ ra rằng, mặc dù chính phủ các nước đã đạt được một số cải cách pháp lý quan trọng, nhưng tiến độ vẫn chậm, không nhất quán và bị cản trở bởi những thất bại, thiếu ý chí chính trị và việc thực thi yếu kém.
Bên cạnh đó, sự chồng chéo và mâu thuẫn cũng làm phức tạp việc tuyên truyền và áp dụng luật gia đình, qua đó đặt ra những thách thức đáng kể đối với việc hài hòa các hệ thống pháp luật.
Nghiên cứu cũng nêu ra thực trạng rằng, luật gia đình mang tính phân biệt đối xử có thể gây hậu quả nghiêm trọng, làm tăng khả năng xảy ra bạo lực tình dục và bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái. Những luật này cũng khiến phụ nữ và trẻ em gái trở nên lệ thuộc và dễ bị tổn thương hơn do bị hạn chế các cơ hội kinh tế và khả năng ra quyết định.
Theo nghiên cứu này, Angola, Botswana, Burundi, Cameroon, Côte d’Ivoire, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Kenya, Malawi, Mozambique, Nigeria, Senegal, Nam Phi, Nam Sudan, Sudan, Tanzania, Gambia, Tunisia và Algeria đều không đạt được sự bình đẳng hoàn toàn trong luật gia đình.
Bà Esther Waweru, đồng tác giả của nghiên cứu và là cố vấn pháp lý cấp cao tại Equality Now, nhấn mạnh: “Văn hóa và tôn giáo thường là những trở ngại lớn trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng trong luật gia đình và làm đình trệ các cải cách”.
Theo cố vấn pháp lý cấp cao tại Equality Now, nhiều chính quyền cam kết sửa đổi luật chống phân biệt đối xử nhưng không thực hiện được hành động hiệu quả. Những quy tắc gia đình tiến bộ đôi khi bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng, chờ được ban hành.
Châu Phi là nơi có cộng đồng dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo đa dạng với nhiều thỏa thuận về luật gia đình. Về mặt lịch sử, các xã hội đã tạo ra những hệ thống luật tục phức tạp và ăn sâu để kiểm soát các mối quan hệ gia đình.
Nguồn: https://baoquocte.vn/phu-nu-chau-phi-phai-doi-mat-voi-bat-binh-dang-gioi-pho-bien-trong-luat-gia-dinh-271860.html