Chợ vùng cao Quản Bạ (Hà Giang) được coi là phiên chợ độc đáo của mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Để cảm thụ hết được nét đẹp nơi phía sau Cổng trời Quản Bạ, nếu du khách bỏ qua chợ phiên thì chắc hẳn sẽ rất tiếc nuối. Bởi mọi nét văn hóa, đời sống tâm linh của bà con dân tộc vùng cao dường như đều hội tụ ở đây.
Với người vùng cao, chợ phiên là hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt gia đình họ. Do trên cao, địa hình hiểm trở, nên đồng bào nơi đây rất ít khi được giao lưu gặp gỡ. Vì vậy, các ngày chợ phiên được người dân rất mong chờ. Khi đến chợ, người dân đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình.
Phiên chợ họp định kỳ mỗi tuần một lần vào ngày chủ nhật. Khác với chợ phiên các vùng miền, mỗi lần tới phiên chợ, người Quản Bạ từ già, trẻ, trai, gái đều háo hức xuống chợ. Có khi họ xuống chỉ để gặp nhau, trò chuyện, để uống chén rượu, ăn bát thắng cố… chứ không hẳn chỉ là việc buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Tuy chợ ở đây không thật nhiều hàng hóa như dưới xuôi, nhưng toát lên một phong vị rất đặc sắc. Ở Hà Giang chủ yếu có các dân tộc như: Tày, Mông, Dao, Lô Lô, Nùng, La Chí… Trước mỗi phiên, bà con thường chuẩn bị tiền, hàng hóa nông sản và quần áo xúng xính để xuống chợ. Trẻ con thì ngoan ngoãn ngồi một chỗ, đợi cha mẹ mua sắm hàng hóa, những đồ dùng thiết yếu trong gia đình mình đủ dùng trong vòng một tuần.
Chợi phiên nơi hội tụ văn hóa đồng bào vùng cao, do địa hình xa, đi lại khó khăn nên mỗi phiên chợ là đồng bào thường sẽ đi đông đủ
Chợ phiên Quản Bạ trông rất đơn sơ và giản dị, mỗi gian hàng chỉ là chiếc lán nhỏ được dựng lên bằng gỗ, tre, nứa và lợp bằng lá cọ, hay đơn giản là căng mảnh bạt lên và trải chiếu xuống đất để hàng. Thậm chí, có những khu, người ta chỉ cần có một chỗ ngồi, đặt hàng hóa trước mặt là xong. Vậy mà chợ lúc nào cũng đông đúc, tấp nập người bán, kẻ mua.
Họ trao đổi, mua bán từ những mặt hàng dân dã, mộc mạc như: Cái cày, cái quốc, con dao để phục vụ cho hoạt động canh tác. Ngoài ra, họ còn bán nhiều đặc sản rừng: Lợn cắp nách, gà đồi, cá suối, rau ngót, rau rớn, hoa chuối, rượu ngô… Có một điều rất đỗi bình dị và quen thuộc, người dân ở đây cái gì họ cũng địu trên lưng, kể cả… phân bón để tăng gia sản xuất hay gia súc gia cầm.
Sự mộc mạc các phiên chợ vùng cao thể hiện chỗ, người dân chỉ cần vài ba bó rau rừng, ít rễ cây thuốc, hay vài cân dưa, quả chan, cây mía
Đến chợ, khách tham quan mới có thể cảm nhận được hết không khí ở đây: Mọi người chen chúc, đi qua, đi lại tìm những thứ mình muốn mua. Thứ hàng hóa thu hút nhiều chị em nhất có lẽ là quần, áo, váy, khăn thổ cẩm đủ màu sắc. Khách từ phương xa khi tới chợ thường chọn cho mình món quà làm kỷ niệm hoặc đem về tặng người thân, đó có thể là chiếc khăn đội đầu với nhiều màu sắc, hay chiếc túi thổ cẩm với những hoa văn cầu kỳ. Họ lấy hết can đảm ăn thử ít thắng cố, uống thử một vài chén rượu để cảm nhận hương vị làm mê say lòng người.
Những loại rau, củ, quả được bà con mời nhiệt tình, như rau cải xanh, bắp cải, bông súp lơ, ngô vàng, lạc, đậu, vừng, măng, hạt dẻ nóng, quả óc chó, lê, táo mèo… Tất cả đều rất tươi ngon mà lại bảo đảm về chất lượng. Đi thêm một đoạn là nơi bán gia cầm, đây cũng là nơi ồn ã nhất bởi những âm thanh của gia súc, gia cầm…
Chúng thường được nhốt sẵn trong những chiếc lồng tre, nứa do chính tay bà con nơi đây chăn nuôi, hay những chú lợn, dê, chó, kể cả mèo con, luôn được buộc một đầu dây vào cổ để tiện trông giữ. Đặc biệt, những chú lợn đen choai choai, được gọi là “lợn cắp nách hay lợn mán” luôn thu hút mọi người.
Phụ nữ vùng cao Hà Giang khi đến chợ, ngoài việc để mua bán hàng hóa, những lúc không có khách còn tranh thủ se từng sợi lanh một cách khéo léo, cần cù hoặc thêu thùa may vá quần áo cho chồng con. Những người đàn ông tới chợ còn là dịp để gặp gỡ, cùng uống rượu, ăn thắng cố, hỏi thăm chuyện gia đình, chúc nhau sức khỏe…
Tiếp đến, dãy hàng ăn luôn luôn là nơi thu hút nhiều người, nhất là các em nhỏ. Mùi vị thơm ngon bay ngào ngạt khiến ai đi qua cũng muốn dừng chân lại. Đó là mùi vị của những món quà bánh như: Bánh quẩy nhúng mật, mèn mén, xôi ngũ sắc, bánh bột gạo bọc thịt, bánh rán,… cùng những bát phở, chảo thắng cố – món ăn đặc trưng của đồng bào vùng cao Hà Giang.
Hình ảnh những người đàn ông say quá, phải ngủ ngay giữa đường sau những phiên chợ ở vùng cao Hà Giang là chuyện hết sức bình thường. Khi mặt trời đứng bóng, chảo thắng cố và những chén rượu cạn dần, hàng đã bán, đã mua đầy đủ, bà con lại háo hức rời chợ và không quên lời hẹn ở buổi phiên sau.
Chính vì vậy, chợ vùng cao mang một nét đẹp văn hoá riêng biệt mỗi địa phương khác nhau, không địa điểm nào giống với địa điểm nào. Mỗi khi hết buổi, chợ tan cũng là lúc men say trong người khiến bước chân họ xiêu vẹo, thậm chí có người còn không thể tự về nhà, mà vợ phải dìu về hay đặt lên lưng ngựa.
Ngày nay, chợ phiên Hà Giang có nhiều đổi mới, những cửa hàng, siêu thị mọc lên, nhưng những phiên chợ vùng cao vẫn mãi là nét đẹp của mảnh đất nơi địa đầu của Tổ quốc. Chính vì vậy, chợ phiên Quản Bạ ở Hà Giang luôn để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng du khách khi đặt chân tới mảnh đất này.
Nguồn: https://danviet.vn/vo-so-dac-san-nui-rung-doc-la-trong-phien-cho-vung-cao-doc-dao-o-manh-dat-dia-dau-to-quoc-20240519170316795.htm